Năm 2020 là một năm buồn của hàng không thế giới, thậm chí, theo Tổng giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế IATA thì về mặt tài chính, đây là năm tồi tệ nhất trong lịch sử ngành hàng không dân dụng. Dịch Covid-19 đã khiến doanh số ngành hàng không toàn cầu trong năm qua lỗ khoảng 510 tỷ USD. Nửa đầu năm 2021 sẽ đầy thách thức.
Hàng không Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng mạnh bởi Covid. Tuy nhiên, hàng không Việt may mắn hơn rất nhiều nước khi dịch bệnh được Chính phủ kiểm soát tốt, nhờ vậy các doanh nghiệp trong ngành vẫn có những trụ đỡ giúp tình hình kinh doanh đỡ bi đát hơn trong năm 2020 và dần hồi phục nhờ các tuyến bay nội địa và vận tải hàng hóa.
2020 - Vẫn may mắn trong cơn khủng hoảng của cả thế giới
Các tuyến nội địa
Theo báo cáo của công ty chứng khoán Mirae Asset Daewoo dẫn nguồn Cục hàng không dân dụng Việt Nam (CAAVN), tính đến tháng 11/2020, tổng số chuyến bay đã hồi phục mạnh lên mức -23% so với cùng kỳ 2019 từ mức đáy -92% của tháng 4/2020. Gần như toàn bộ sự hồi phục đến từ các tuyến bay nội địa do các tuyến quốc tế vẫn chưa được mở lại.
Nguyên nhân chính cho sự hồi phục mạnh mẽ này trước hết đến từ việc Chính phủ đã kiểm soát tốt dịch bệnh, không để có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Thứ hai là chi phí di chuyển bằng đường hàng không giảm khi các hãng hàng không cạnh tranh khai thác tuyến nội địa do không vận hành được các tuyến quốc tế. Tiếp nữa, do không còn nhu cầu từ khách du lịch quốc tế, giá cả các dịch vụ du lịch giảm mạnh, thúc đẩy nhu cầu du lịch của người dân. Đồng thời do không thể du lịch nước ngoài, người dân dồn về các địa điểm du lịch trong nước.
Tuyến hoạt động mạnh nhất là TP Hồ Chí Minh - Hà Nội, đạt mức 540 chuyến/tuần (so với mức 371 chuyến/tuần trước dịch), với tỉ lệ lấp đầy tương đối khả quan (~90%).
So với các thị trường hàng không trên thế giới, Việt Nam có mức hồi phục đáng tự hào về lưu lượng vận chuyển hành khách các tuyến nội địa. Tuy nhiên, sự hồi phục từ các tuyến quốc tế vẫn chưa có sự cải thiện do chính phủ vẫn chưa cho mở lại các đường bay quốc tế (ngoại trừ các chuyến bay cứu trợ).
Vận tải hàng hóa
Mảng vận tải hàng hóa chịu ảnh hưởng ít nghiêm trọng hơn từ COVID-19 và đã khôi phục từ rất sớm.
Sự hồi phục của ngành vận tải hàng hoá bằng đường hàng không trên toàn cầu khá rõ ràng, cả về khối lượng cũng như tỉ lệ lấp đầy. Mặc dù vận tải hàng hóa có thể quay trở về mức trước dịch nhưng việc tăng trưởng sẽ gặp khó khăn khi các chuyến bay chở khách kết hợp chở hàng hóa, vốn chiếm một nửa công suất chở hàng, vẫn bị ảnh hưởng do đường bay quốc tế chưa hoạt động trở lại.
2021 vẫn là một năm khó khăn
Không còn dư địa hồi phục cho đến khi các tuyến quốc tế mở lại
Giá vé thấp giúp đẩy nhu cầu di chuyển bằng máy bay các tuyến nội địa lên mức cao hơn mức trước dịch. Tuy nhiên, khi giá vé máy bay đã ở mức thấp, khả năng tăng chuyến các tuyến nội địa cũng có giới hạn do không còn nhiều dư địa để giảm giá vé. Nếu các hãng hàng không tiếp tục giảm giá vé thì hoạt động khai thác cũng không đem lại dòng tiền dương.
Trước một thị trường nội địa cạnh tranh gay gắt, cho đến khi các tuyến quốc tế được mở lại, tình hình kinh doanh của các hãng hàng không Việt Nam sẽ khó có thêm sự cải thiện.
Thị trường bị thu hẹp, cạnh tranh gay gắt hơn
Do thị trường thu hẹp khi dịch Covid chưa được không chế, các hãng bay trong năm 2021 sẽ tích cực tập trung khai thác tất cả máy bay dồn vào các tuyến nội địa để cải thiện dòng tiền. Sức ép này sẽ đẩy cạnh tranh trở nên gay gắt hơn.
Vietjet Air tiếp tục nhận về 11 máy bay mới, nâng tổng số máy bay đang vận hành lên 88 chiếc (6 A320c và 5 A321c, theo Flightradar24). Nhận thêm máy bay mới đi kèm hoạt động bán và thuê lại (Sale&Lease back) máy bay, đây là cứu cánh cho lợi nhuận trên báo cáo, nhưng khiến dòng tiền và hoạt động cốt lõi tệ đi khi thị trường chưa hồi phục.
Bamboo Airways giảm 2 chiếc A320 nhưng nhận thêm 4 máy bay cỡ nhỏ E195 (124 ghế), nâng số máy bay lên 26 chiếc. Số chuyến bay thực hiện trong T11/2020 đạt 3.286 chuyến, tăng 35% YoY (so với 7.228 chuyến của Vietjet Air và 9.040 chuyến của Vietnam Airlines).
Vietnam Airlines và Jetstar là hai hãng bay có số lượng máy bay khai thác giảm so với thời điểm tháng 5/2020, từ 105 xuống 99 (6 chiếc A321) và 18 xuống 15 chiếc (3 chiếc A320).
Bên cạnh đó, các hình thức di chuyển thay thế như xe khách, tàu hỏa cũng có những đợt giảm giá mạnh (15-30% với xe khách; 50% đối với tàu hỏa với số lượng giới hạn 6.000-14.000 vé cho mỗi đợt).
Bên cạnh việc giảm giá vé, thì số lượng vé giá rẻ trong một chuyến bay cũng tăng lên, thể hiện qua việc dễ dàng mua được cho dù đặt mua gần ngày khởi hành.
Triển vọng hồi phục từ vaccines
Trong tháng 12/2020, Mỹ và một số nước Châu Âu bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine. Tuy nhiên, sẽ cần thời gian để sản xuất đủ lượng vaccines để đẩy lui dịch bệnh. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC US), đến cuối tháng 12/2020, nước Mỹ sẽ nhận được khoảng 40 triệu liều vaccine, và sau đó 5–10 triệu liều/tuần (Mỗi người sẽ cần 2 liều vaccine).
Theo ước tính của Mirae Asset Daewoo, để đủ vaccine tiêm cho 30% dân số Mỹ, mức tối thiểu để đẩy lùi dịch bệnh, sẽ cần khoảng 4 tháng. Đối với các nước kém phát triển hơn Mỹ, thời gian để đạt được tỉ lệ tiêm chủng 30% sẽ còn kéo dài hơn do không tự chủ được nguồn vaccine.
Các chuyến bay quốc tế có thể sẽ mở lại ngay khi dịch bệnh được đẩy lùi, lưu lượng khách quốc tế sẽ bắt đầu khôi phục dần từ thời điểm đó. Tuy nhiên, Mirae Asset Daewoo đánh giá tốc độ hồi phục sẽ khá chậm do các quy định về cách ly, kiểm dịch và các nền kinh tế suy yếu do dịch COVID-19, ảnh hưởng tới nhu cầu du lịch.
Tích cực tăng thu - giảm chi
Với số dư tiền mặt cộng các khoản đầu tư ngắn hạn vào cuối quý 3/2020, Vietnam Airlines và Vietjet Air chỉ duy trì hoạt động trong khoảng 3,9 tháng và 9,5 tháng.
Trong bối cảnh nguồn thu hạn chế, tất cả các hãng đều tích cực tìm kiếm nguồn tiền mặt từ nhiều nguồn khác nhau, như các chiến dịch pre-sale, phát hành cổ phần, vay ưu đãi, hỗ trợ từ các cổ đông lớn...
Pre-sale
Các hãng đều đẩy mạnh các chiến dịch pre-sale các chuyến bay trong 2021 bằng cách mạnh tay khuyến mãi. Đặc biệt là Vietjet Air với đợt pre-sale kéo dài và không giới hạn, giá vé hạng phổ thông chỉ còn 85.460 đồng tuyến HCM–HN cho toàn bộ năm 2021. Vietnam Airlines và Bamboo Airways thường đưa ra các đợt sale ngắn và nhiều giới hạn hơn.
Huy động từ cổ phiếu và vay nợ
- Huy động 8.000 tỷ từ phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (giá phát hành dự kiến 10.000VNĐ/cp) và 4.000 tỷ từ nợ vay ưu đãi với lãi suất 4%/năm trong thời gian 3 năm.
- Đợt phát hành thêm cổ phần được hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ thông qua Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), dự kiến thực hiện trong quý 1/2021.
- Gói tín dụng 4.000 tỷ đồng sẽ được giải ngân thông qua một ngân hàng thương mại. Ngân hàng thương mại này sẽ nhận lại số dư nợ trên dưới hình thức tái cấp vốn. Dự kiến gói tín dụng sẽ giải ngân trong tháng 12/2020.
Nhờ có gói tín dụng 4.000 tỷ đồng giải ngân tháng 12/2020 và 8.000 tỷ đồng trong quý 1/2020, Vietnam Airlines có thể đảm bảo đủ nguồn lực kinh doanh cho đến khi dịch bệnh được đẩy lùi.
Vietjet Air tính tới cuối quý 3/2020 duy trì số dư tiền mặt để chi tiêu trong 9,5 tháng tiếp theo, thời điểm mà khả năng cao dịch bệnh đã bị đẩy lùi và các tuyến quốc tế hoạt động trở lại. Bên cạnh đó, Vietjet Air có thể còn nhận được sự hỗ trợ từ nhóm cổ đông lớn nhất của công ty: Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Sovico, HDBank.
Cắt giảm chi phí
Cả hai hãng hàng không Vietnam Airlines và Vietjet Air đều có chính sách mạnh tay cắt giảm chi phí ngay từ quý 1/2020. Đối với chính sách với người lao động, dù cả hai công ty không có chính sách cho thôi việc bắt buộc, tuy nhiên Vietnam Airlines có thiên hướng cho nhân viên nghỉ ở nhà không hưởng lương, còn Vietjet Air mạnh tay cắt giảm lương nhân viên và điều chỉnh theo doanh thu.
Kiều Anh
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị