Nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny công bố một báo cáo điều tra về phần tài sản mà ông này cáo buộc thuộc sở hữu của Tổng thống Nga Vladimir Putin, báo South China Morning Post đưa tin.
Tối 19-1, blog cá nhân của ông Navalny chia sẻ một báo cáo điều tra và một video dài gần hai giờ trên Youtube của ông này. Cuộc điều tra được ông Navalny và các cộng sự thực hiện trước khi ông này từ Đức về Nga hôm 17-1.
Theo đó, ông Navalny đưa ra nhiều thông tin về khu phức hợp bất động sản ở làng Praskoveyevka, thị trấn Gelendzhik, vùng Krasnodar (Nga), bên bờ biển Đen, trị giá 100 tỉ ruble (tức 1,35 tỉ USD) mà ông này gọi là "khoản hối lộ lớn nhất lịch sử".
Phía ông Navalny cáo buộc khu vực này bao gồm nhiều hạng mục vui chơi sa đọa, bao gồm cả sòng bạc, sàn đấu võ sĩ giác đấu và các khu vực có vũ nữ thoát y hay để hút shisha kiểu Ả Rập...
Khu phức hợp ở mũi Idokopas bên bờ biển Đen, nơi được phương Tây gọi là "Dinh thự của ông Putin". Ảnh: SCMP
Phía ông Navalny nói rằng hai doanh nhân được coi là "đồng minh thân cận" của ông Putin là ông Igor Sechin (người đứng đầu công ty dầu khí Rosneft) và nhà tài phiệt Gennady Timchenko là những người chi tiền vận hành khu phức hợp này. Trong khi đó, Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) bị cáo buộc sở hữu khoảng 7.000 ha đất gần nhóm bất động sản này.
Ông Navalny cho rằng khu phức hợp này là "một lãnh địa riêng biệt bên trong nước Nga", nơi "có một sa hoàng duy nhất và không thể thay thế" là ông Putin - người mà phía ông Navalny chắc chắn là chủ nhân của khối tài sản.
Các tin đồn về sự liên hệ của ông Putin với khối bất động sản này đã xuất hiện từ năm 2010, theo lời cáo buộc của doanh nhân Sergei Kolesnikov (hiện đang sống lưu vong). Từ đó, khối tài sản này bị truyền thông phương Tây gọi là "Dinh thự của ông Putin".
Điện Kremlin luôn bác bỏ các cáo buộc này. Ngày 19-1, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng những gì phía ông Navalny mô tả là "không đúng sự thật". Ông Peskov cũng nhắc lại rằng Điện Kremlin đã giải thích rõ ràng vấn đề này và sẽ không cần lặp lại những giải thích đó.
Ông Navalny được coi là nhân vật đối lập hàng đầu ở Nga, có được lượng lớn người theo dõi và ủng hộ trên các nền tảng trực tuyến.
Ngày 20-8-2020, ông Navalny được cấm cứu ở TP Omsk (Nga) với dấu hiệu nghi ngộ độc và được đưa sang Đức hai ngày sau đó.
Ông Navalny, Đức (cũng như các nước phương Tây khác) cáo buộc chính quyền Nga đã tấn công nhân vật đối lập bằng vũ khí hóa học là chất độc thần kinh Novichok. Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc này.
Cuối năm 2020, giới chức Nga thông báo điều tra ông Navalny với cáo buộc vi phạm các lệnh hạn chế trong thời gian thi hành án tù treo. Ông Navalny còn bị cáo buộc chi tiêu sai mục đích các khoản quyên góp cho những tổ chức do ông này quản lý. Tuy nhiên, ông Navalny bác bỏ cáo buộc biển thủ, gọi đây là âm mưu bỏ tù ông sau vụ "ám sát bất thành".
Ngày 17-1, ông Navalny lên máy bay từ Đức về Nga và bị bắt ngay khi vừa nhập cảnh.
Các nước phương Tây kêu gọi Nga thả tự do cho ông Navalny ngay lập tức và vô điều kiện. Tuy nhiên, đại diện Điện Kremlin khẳng định đây là vấn đề nội bộ của Nga và Moscow "sẽ không và không thể" đáp ứng lời kêu gọi từ Mỹ, Đức hay Ủy ban châu Âu, theo hãng thông tấn TASS.
Người phát ngôn Peskov còn cho biết ông Navalny bị điều tra như một công dân bình thường và sẽ được đảm bảo mọi quyền lợi được pháp luật bảo vệ. Do đó, ông Peskov cho rằng vụ việc này không có gì để Tổng thống Putin phải lưu tâm đặc biệt.