ADB khuyến nghị tăng cường đào tạo nhân lực phục vụ chuyển đổi số
Vân Ly
(TBKTSG Online) - Việt Nam cần phát triển các chương trình giáo dục kỹ thuật và dạy nghề chuyên biệt để tạo điều kiện cho việc chuyển đổi theo cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (công nghiệp 4.0), giúp tăng năng suất của người lao động và tăng khả năng cạnh tranh của quốc gia. Đó là nội dung chính trong một nghiên cứu được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 20-1.
Ảnh minh họa: Vân Ly |
Nghiên cứu của ADB với nhan đề gặt hái lợi ích của công nghiệp 4.0 thông qua phát triển kỹ năng ở Việt Nam xem xét các ngành logictic và chế biến nông sản ở Việt Nam; cả hai đều quan trọng đối với tăng trưởng, việc làm, năng lực cạnh tranh quốc tế, và cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Báo cáo nhận thấy các công nghệ mới của công nghiệp 4.0 sẽ xóa bỏ khoảng từ 1/4 tới 1/3 số việc làm trong các ngành nói trên. Song sự cắt giảm này sẽ được bù đắp nhiều hơn bằng nhu cầu lao động mới, từ đó có thể dẫn tới lợi ích tích cực về việc làm ở cả hai ngành.
Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries, chia sẻ: “Trong khi việc ứng dụng các công nghệ của công nghiệp 4.0 sẽ giúp Việt Nam dịch chuyển lên trên trong chuỗi giá trị sản xuất và dịch vụ. Việt Nam cần cân nhắc những cách tiếp cận mới để bảo đảm lợi ích bao trùm và sự bảo trợ xã hội đối với công nhân tay nghề thấp.
Đặc biệt những người có nguy cơ bị thay thế và những người cần nâng cao tay nghề. Đầu tư thỏa đáng và kịp thời vào phát triển kỹ năng có thể giúp Việt Nam không những khai thác được tiềm năng của công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất mà còn bảo đảm nó sẽ mang lại lợi ích cho người lao động.”
Do tác động của Covid-19 tới các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị, ngành chế biến nông sản của Việt Nam sẽ cần phải điều chỉnh để phù hợp với sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Mặc dù ngành logictic có thể chứng kiến sự tăng trưởng mạnh sau đại dịch do sự gia tăng của thương mại điện tử và tính chất đang thay đổi của ngành bán lẻ. Cả hai ngành này sẽ phải tích hợp các chuỗi cung ứng điện tử và khởi động những sáng kiến số – khiến nhu cầu nâng cao năng lực và đào tạo lại thậm chí còn cấp thiết hơn.
Nghiên cứu này là một phần của nghiên cứu về bốn quốc gia thuộc khối ASEAN gồm Việt Nam, Campuchia, Indonesia và Philippines.
Xem thêm: lmth.os-iod-neyuhc-uv-cuhp-cul-nahn-oat-oad-gnouc-gnat-ihgn-neyuhk-bda/178213/nv.semitnogiaseht.www