2020 là một năm không thể buồn hơn với ngành du lịch Việt. Ước tính lượng khách du lịch nước ngoài trong năm 2020 đã giảm 80%, khách trong nước giảm 45%, tổng thiệt hại có thể lên tới 23 tỷ USD.
Bên cạnh những thống kê xấu về mức độ thiệt hại, số doanh nghiệp lữ hành đóng cửa hay người lao động mất việc, ngành du lịch vẫn may mắn được "vớt vát" nhờ chiến dịch kích cầu nội địa.
Trong hội thảo "Giá trị du lịch nội địa trong bối cảnh bình thường mới" do Hướng nghiệp Á - Âu phối hợp cùng Chefjob tổ chức, bà Đỗ Thị Thu Giang - Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị của Mai Chau Hide Lake Resort, trước đó làm việc tại Du thuyền Heritage Bình Chuẩn Cát Bà chia sẻ câu chuyện "điểm sáng" tại doanh nghiệp của mình.
Bà cho biết ngay sau đợt giãn cách xã hội hồi tháng Tư, Du thuyền Heritage Bình Chuẩn Cát Bà đã nhận được lượng khách đặt phòng kỷ lục vào ngày lễ 30/4, bán hết toàn bộ phòng. Thậm chí trong suốt tháng Năm, du thuyền này cũng chạy liên tục không một ngày nghỉ.
Tình hình lạc quan vẫn duy trì trong những tháng sau, dù du thuyền là một sản phẩm du lịch còn khá mới mẻ và thường chỉ tập trung đón khách nước ngoài, giá cũng không hề rẻ.
Đến tháng Bảy, tỷ lệ lấp đầy tại Heritage Bình Chuẩn lên tới 99,3%, sang tháng Tám giảm còn 28% do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ 2. Những tháng sau đó, công suất vẫn ở mức tốt, dao động 60-79%.
Bà Giang cho biết cách làm việc khi tập trung đón khách nội địa cũng khác nhiều so với khách nước ngoài. Ví dụ, nếu như với khách quốc tế, họ có thể chọn trả lời khách trong vòng 24h thì với khách Việt, khi nhận được yêu cầu phải gọi điện lại ngay lập tức, nếu không "đơn hàng" sẽ "bay" luôn. Thậm chí, đội ngũ của bà phải luôn sẵn sàng trực chiến lúc 11-12 giờ đêm, có khi đến 1h sáng vẫn nhận mail, 3h sáng cũng thức dậy xác nhận đặt phòng cho khách.
Tuy nhiên, làm việc nhiều hơn với khách du lịch nội địa, vị sếp cho rằng: "Thực tế, thị trường khách Việt vô cùng tiềm năng, mà trước kia chúng ta bỏ qua và chỉ tập trung vào khách nước ngoài. Bản thân khách Việt đóng góp vô cùng lớn, chi trả cũng rất cao.
Khách Việt tưởng khó nhưng cũng rất dễ tính. Ví dụ với khách Âu, đôi khi họ nói rằng họ "happy" nhưng thực chất trong lòng không phải vây. Còn người Việt, tưởng chừng rất khó tính, đòi hỏi nhiều nhưng thực tế cũng rất dễ tính, dễ làm hài lòng bởi chúng ta hiểu và có chung chiều sâu văn hoá".
Bà Đỗ Thị Thu Giang (thứ 2 bên phải)
Bà nhận định việc khuyến mãi chỉ là yếu tố kích thích khách hàng ra quyết định nhanh hơn cho việc chi trả để đi du lịch, hoàn toàn không phải là yếu tố tiên quyết khiến khách hàng Việt Nam lựa chọn sản phẩm từ doanh nghiệp.
"Tham gia rất nhiều hội thảo kích cầu du lịch của các địa phương thời gian trước, lãnh đạo các điểm đến luôn hỏi doanh nghiệp rằng kích cầu thế nào, giảm giá sâu bao nhiêu. Nhưng thực tế điều khách nội địa quan tâm không thực sự là giá cao hay thấp, không phải cứ cao thì không bán được.
Tại sao những resort đắt nhất trong nước hiện nay như Six Senses, Amanoi lại có sức sống tốt nhất thời điểm này mặc dù giá cực kỳ cao, có những căn lên tới 5.000 - 7.000 USD? Bởi thứ hàng đang mua là giá trị họ nhận được khi chi trả số tiền đó. Không phải cứ kích hoạt một chiến dịch giảm giá sâu là sẽ thành công".
Bà cho biết dù sau Covid, du lịch quốc tế được nối lại, doanh nghiệp vẫn phải có những chiến lược rõ ràng để tập trung vào thị trường nội địa. Sẽ luôn có những phân khúc khách hàng phù hợp với từng loại sản phẩm du lịch.
"Covid đã cho chúng ta một bài học, rằng đừng bao giờ bỏ quên khách du lịch Việt như trước đây".
T.Dương
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị