Việt Nam xuất siêu kỷ lục, gần chạm mốc 20 tỉ đô la trong năm 2020
Lê Hoàng
(TBKTSG Online) - Ngày 20-1, Tổng cục Hải quan công bố con số cập nhật tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2020 với kết quả là xuất siêu gần chạm mốc 20 tỉ đô la Mỹ, thay vì con số 19,1 tỉ đô la như ước tính trước đó của Tổng cục Thống kê.
Kết quả này cho thấy khối doanh nghiệp FDI xuất siêu 33,87 tỉ đô la, trong khi khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục nhập siêu lên đến hơn 13,9 tỉ đô la.
Khép lại năm 2020, cả nước ghi nhận xuất siêu 19,95 tỉ đô la Mỹ. Ảnh minh họa: VOV. |
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong năm 2020 đạt 545,36 tỉ đô la, tăng 5,4% với năm trước đó. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 282,65 tỉ đô la, tăng 7%, tương ứng tăng 18,39 tỉ đô la và nhập khẩu đạt 262,7 tỉ đô la, tăng 3,7%, tương ứng tăng 9,31 tỉ đô la.
Tính ra, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước thặng dư 19,95 tỉ đô la, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016.
Tổng cục Hải quan ghi nhận tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm vừa qua đạt 371,9 tỉ đô la, tăng 11,8%, tương ứng tăng 39,26 tỉ đô la so với năm trước đó.
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 202,89 tỉ đô la (tăng 10,7% so với năm trước). Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI là hơn 169 tỉ đô la (tăng 13,1% so với năm 2019).
Tính toán của Tổng cục Hải quan cho thấy cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong năm 2020 lên mức thặng dư trị giá 33,87 tỉ đô la. Như vậy, trong năm vừa qua, khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục nhập siêu. Con số nhập siêu của khối doanh nghiệp trong nước là 13,92 tỉ đô la.
Mức tăng-giảm trị giá nhập khẩu của một số nhóm hàng chủ lực năm 2020 so với năm 2019. Nguồn: Tổng cục Hải quan |
Theo cơ quan hải quan, trong năm 2020, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Mỹ đạt 112,02 tỉ đô la, tăng 16,2% so với năm trước đó, liên tục là châu lục đạt mức tăng trưởng cao nhất.
Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (64,7%) trong tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước. Trị giá xuất nhập khẩu trong năm vừa qua với thị trường này đạt 352,97 tỉ đô la, tăng 4,2% so với năm 2019, trong đó trị giá xuất khẩu là 140,25 tỉ đô la, tăng 3,4% và trị giá nhập khẩu là 212,72 tỉ đô la, tăng 4,7%.
Trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các châu lục khác lần lượt là châu Âu: 63,85 tỉ đô la (giảm 3,1%); châu Đại Dương: 9,79 tỉ đô la (tăng 2,4%); và châu Phi: 6,72 tỉ đô la (giảm 5%) so với năm 2019.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trong năm qua, kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng của Việt Nam tăng đến 48,6% (tương ứng tăng 8,89 tỉ đô la); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng tăng 24,1% (tương ứng tăng 8,66 tỉ đô la); nhóm gỗ và sản phẩm gỗ tăng tăng 16,2% tương ứng tăng 1,72 tỉ đô la); và nhóm sắt thép các loại tăng 25,1% (tương ứng tăng 1,05 tỉ đô la)...
Bên cạnh đó có một số nhóm hàng giảm mạnh như: hàng dệt may giảm 3,02 tỉ đô la (tương ứng giảm 9,2%); giày dép các loại giảm 1,52 tỉ đô la (tương ứng giảm 8,3%); xăng dầu các loại giảm 1,03 tỉ đô la (tương ứng giảm 51,2%) ...
Ở chiều ngược lại, các mặt hàng Việt Nam tăng giá trị nhập khẩu gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 12,63 tỉ đô la (tương ứng tăng 24,6%); điện thoại các loại & linh kiện tăng 2,03 tỉ đô la (tương ứng tăng 13,9%); sản phẩm từ chất dẻo tăng 731 triệu đô la (tương ứng tăng 11,2%) ...
Nhìn sang năm 2021, theo giới phân tích, mặc dù dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, nhưng những dấu hiệu tích cực đang dần sáng rõ. Nền kinh tế thế giới sẽ ấm dần lên, kéo theo cùng hoạt động đầu tư, thương mại của nền kinh tế Việt Nam.
Theo mô hình dự báo của Viện Kinh tế, tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam dự báo đạt 5,49% (kịch bản cơ sở), 6,9% (kịch bản cao) và 3,48% (kịch bản thấp).
Xem thêm: lmth.0202-man-gnort-al-od-it-02-com-mahc-nag-cul-yk-ueis-taux-man-teiv/309213/nv.semitnogiaseht.www