Trong khi đó, một tổ chức độc lập nói Trung Quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phản ứng chậm chạp và thiếu kiên quyết trong việc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.
Theo AP, Trung Quốc ghi nhận 118 trường hợp nhiễm mới trong ngày 19/1, với 43 trường hợp ở tỉnh Cát Lâm. Tỉnh Hà Bắc gần thủ đô Bắc Kinh ghi nhận 35 trường hợp, trong khi tỉnh Hắc Long Giang giáp biên giới với Nga báo cáo 27 ca bệnh mới. Bắc Kinh báo cáo một trường hợp, dù đã ra lệnh phong tỏa một số khu dân cư.
Tỉnh thứ tư ở phía bắc là Liêu Ninh cũng đã áp đặt các biện pháp cách ly và hạn chế đi lại để ngăn dịch lây lan, một phần các biện pháp đang được áp dụng trên khắp cả nước nhằm ngăn chặn các đợt bùng phát mới trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Các nhà chức trách đã kêu gọi người dân không đi du lịch, ra lệnh đóng cửa các trường học sớm một tuần và tiến hành thử nghiệm trên quy mô lớn.
Người dân đeo khẩu trang chờ xe tại một ngã tư trong một buổi sáng tuyết rơi ở Bắc Kinh, ngày 19/1 (Ảnh: AP)
Thủ phủ của tỉnh Hà Bắc là thành phố Thạch Gia Trang đang xây dựng một khu phức hợp gồm các đơn vị nhà ở đúc sẵn đủ để cách ly hơn 3.000 người trong khi liên tiếp xuất hiện các ca nhiễm mới. Trung Quốc đã ghi nhận 88.454 trường hợp mắc và 4.635 trường hợp tử vong kể từ khi coronavirus lần đầu tiên được phát hiện ở thành phố Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc vào cuối năm 2019. Giới chức không tính vào các con số nói trên những người có kết quả xét nghiệm dương tính nhưng không có triệu chứng.
Trong khi đó, một nhóm điều tra đa quốc gia của WHO hiện đang ở Vũ Hán, trải qua hai tuần cách ly trước khi bắt đầu thăm thực địa với hy vọng thu được manh mối về nguồn gốc của đại dịch đã giết chết hơn 2 triệu người trên thế giới.
Gần 20 triệu người trong tình trạng bị phong tỏa, trong khi một số thành phố xét nghiệm hàng loạt với lo ngại rằng các ca nhiễm không được phát hiện có thể lây lan dịch nhanh chóng trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán chỉ còn vài tuần nữa. Đợt bùng phát hiện tại ở Cát Lâm là do một người bán hàng bị nhiễm bệnh đến từ tỉnh Hắc Long Giang lân cận, nơi trước đó đã xảy ra một đợt bùng phát, Reuters tường thuật.
Hôm thứ Hai, một hội đồng chuyên gia độc lập xem xét đại dịch, do cựu thủ tướng New Zealand Helen Clark và cựu tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf dẫn đầu, nói rằng hồi tháng 1 năm ngoái, các quan chức Trung Quốc lẽ ra nên áp dụng các biện pháp y tế công cộng quyết liệt hơn để hạn chế đợt bùng phát ban đầu. Họ cũng chỉ trích WHO vì đã không ban bố tình trạng khẩn cấp quốc tế cho đến ngày 30/1, theo tin của CNN.
Trong báo cáo tạm thời thứ hai, Ủy ban độc lập về chuẩn bị và ứng phó với đại dịch có trụ sở tại Thụy Sĩ xác định rằng Bắc Kinh lẽ ra nên mạnh tay hơn trong việc áp dụng các biện pháp y tế công cộng khi các ca bệnh lần đầu tiên được phát hiện ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.
Vào thời điểm Vũ Hán bị phong tỏa ngày 23/1/2020, SARS-CoV-2 đã lây lan sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Mỹ. Một số quốc gia, đặc biệt là Mỹ và Úc, cáo buộc Bắc Kinh đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát trong giai đoạn đầu và ngăn chặn một phản ứng hiệu quả cho đến khi quá muộn. Ủy ban độc lập về chuẩn bị và ứng phó với đại dịch cũng chỉ trích WHO về sự chậm trễ trong việc đưa ra báo động, đồng thời kêu gọi cải tổ cơ quan LHQ này.
Anh Minh
Tiền Phong
Xem thêm: nhc.47424709102101202-iom-91-divoc-tahp-gnub-tod-iov-nol-tav-couq-gnurt/nv.zibefac