Hoạt động tín dụng ‘’đen” vẫn còn nhức nhối bởi nhu cầu vay vốn của người dân là rất lớn, trong khi các kênh tín dụng chính thức qua hệ thống ngân hàng không thể đáp ứng hết được. Do đó, một trong những giải pháp được nhiều ý kiến đưa ra là các ngân hàng cần đẩy mạnh việc cung ứng tín dụng tiêu dùng để đẩy lùi tín dụng “đen”.
Vòi bạch tuộc tín dụng "đen"
Chị L. (ngụ ở TPHCM) một người làm kinh doanh cho biết, chị bị vướng vào tín dụng "đen" và sống khổ sở trong suốt năm qua. Chị cần vốn làm ăn sau khi vay ở ngân hàng, được bạn bè giới thiệu chị chuyển qua vay vốn bên ngoài do cần vốn nhanh.
“Ban đầu vay lãi suất từ 1,5-1,75%/ngày và sau đó lãi mẹ đẻ lãi con. Thậm chí, tôi còn bị các đối tượng cho vay nặng lãi làm hợp đồng giả cách mua bán nhà, chuyển khoản chỉ 600 triệu đồng nhưng trong hợp đồng mua bán nhà photo để tới 3 tỉ đồng. Các đối tượng còn dùng thông tin, hình ảnh của tôi để tố cáo ngược lại cơ quan công an, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự cá nhân tôi” - chị L bức xúc.
Trong khi đó, trường hợp anh H. kể vào tháng 8.2019, vợ anh chơi số đề và vay 4 tỉ đồng của nhiều người với lãi suất cao. Do những nhóm này gây áp lực nên anh phải bán căn nhà đang ở để trả nợ và thuê lại căn nhà này sinh sống, làm ăn. Sau này vợ chồng anh chị ly dị, nhưng nhiều nhóm tín dụng "đen" vẫn tìm đến anh để đòi nợ. Anh H. nói không vay mượn tiền và yêu cầu những người này đi tìm người mượn tiền mà đòi. Nhưng nhà anh H. bị người lạ tạt sơn khiến anh cùng các con hoang mang, sống trong lo sợ.
Thiếu tá Trịnh Khánh Hùng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an TPHCM cho biết: Trong thời gian qua trên địa bàn TPHCM hoạt động cho vay lãi nặng, tín dụng "đen" và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng như: Bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, thậm chí là giết người... diễn biến phức tạp.
Tín dụng "đen'' hoạt động thông qua nhiều phương thức, thủ đoạn như quảng cáo trên mạng, phát tờ rơi vay tiền không cần gặp mặt để đối phó với cơ quan công an, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự. Đặc biệt, nổi lên các băng nhóm tội phạm hoạt động cho vay lãi nặng tại những nơi đông dân cư, chợ, bến tàu, bến xe...
Đấu tranh mạnh để loại trừ tín dụng "đen"
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, rất nhiều người nghèo đã âm thầm chịu đựng, mất nhà, mất đất, người vay lo sợ vì số lãi. Có người vay món tiền nhỏ, khi trình báo cơ quan công an, chúng ta giải quyết không rốt ráo, họ lại sợ trả thù.
"Biến tướng cho vay bằng hợp đồng giả cách, cho vay bằng cách mua bán nhà. Những nhóm này ở chung cư cao cấp, thuê nhà riêng biệt, dùng những chiêu trò lách luật đưa nạn nhân vào tròng. Thủ tục vay tín dụng ''đen'' rất đơn giản, nhanh chóng, giấy photo, trong 10-30 phút là giải ngân nhưng lãi suất từ 100-360%/năm tuỳ theo số tiền mượn và nếu không trả thì người vay và gia đình họ không thể sống yên" - luật sư Nguyễn Văn Hậu nói.
Để đẩy lùi tín dụng đen, hiện nay các ngân hàng thương mại, công ty tài chính đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, đơn giản hoá thủ tục hành chính để cung ứng vốn cho khách hàng cá nhân, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm "Nhận diện, đẩy lùi hoạt động tín dụng đen" ngày 20.1 tại TPHCM, ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), cho biết, tính đến cuối năm 2020, ngân hàng đã tiếp tục cung ứng 1,6 triệu tỉ đồng nguồn vốn cho nền kinh tế (bình quân mỗi tháng gần 135.000 tỉ đồng). Dư nợ cho vay khách hàng cá nhân gần 840.000 tỉ đồng, tăng trưởng hơn 7%, trong đó dư nợ cho vay tiêu dùng đạt gần 250.000 tỉ đồng.
Để triển khai các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình và các giải pháp góp phần hạn chế tín dụng đen, Agribank đã ưu tiên xét duyệt và giải ngân trong ngày khi nhận được đầy đủ bộ hồ sơ hợp lệ đối với các mục đích tiêu dùng hợp pháp, cấp thiết, có nhu cầu vốn không quá 30 triệu đồng…
"Ngân hàng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… để tuyên truyền, quảng bá chương trình tín dụng tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình đến người dân, đặc biệt là bà con khu vực vùng sâu, vùng xa - nơi người dân ít có điều kiện tiếp cận thông tin - nhằm đáp ứng nhu cầu vốn chính đáng, góp phần hạn chế ảnh hưởng của tín dụng đen" - ông Phạm Toàn Vượng nói.
Ông Hà Huy Cường, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), cho rằng, hoạt động tín dụng ''đen" vẫn còn nhức nhối, bởi nhu cầu vay vốn của người dân là rất lớn, trong khi các kênh tín dụng chính thức qua hệ thống ngân hàng không thể đáp ứng hết được.
Câu chuyện làm sao có thể ngăn chặn, giảm bớt tình trạng này, có 3 góc độ từ việc nâng cao vai trò nhận thức của người dân đối với mảng tín dụng này. Chống tín dụng ''đen'' cũng đòi hỏi sự đồng lòng của toàn xã hội; vai trò của các tổ chức tín dụng.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN nhận định, tín dụng đen là vấn nạn rất lớn hiện nay. Thời gian qua NHNN đã chủ động khảo sát tại một số tỉnh, thành phố là điểm nóng về tín dụng đen. Câu hỏi đặt ra là tại sao tín dụng đen vẫn tồn tại? Tín dụng "đen" trước đây không có hành động thu hồi nợ như thời gian gần đây, quy mô nhỏ lẻ chứ không có số lượng lớn. Nhưng gần đây thì đã trở thành tổ chức hoạt động bất hợp pháp hoàn toàn mà còn núp danh trá hình. Tức tín dụng "đen" gắn với các tệ nạn khác trong xã hội vẫn đang còn tiếp diễn.
Nếu nhìn nhận ở góc độ đó thì phải luôn đồng hành với câu chuyện dẹp bỏ các tệ nạn khác: Lô đề, bài bạc,… Vì nếu không tín dụng "đen" vẫn còn đất sống do tín dụng chính thức chưa phủ được hết nhu cầu của người dân vẫn còn. Không thể coi tín dụng "đen" là loại hình để đi cạnh tranh mà là tệ nạn cần phải dẹp bỏ.
Xem thêm: odl.166278-ned-gnud-nit-iul-yad-ed-gnud-ueit-gnud-nit-hnam-gnu-gnuc/et-hnik/nv.gnodoal