Tại tọa đàm "Nhận diện, đẩy lùi hoạt động tín dụng đen" ngày 20/1, Thảo Nguyên (33 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cho biết, cách đây hai năm khi đi làm từ thiện, cô quen Tuấn - chủ một quán nhậu. Biết Nguyên thích kinh doanh nên Tuấn ngỏ ý đưa tiền cho cô làm ăn và thu lãi 1,5% một ngày (547% một năm), đồng thời hứa hẹn huy động thêm vốn từ bạn bè để hỗ trợ.
Theo đó, Tuấn chuyển cho Nguyên lần đầu 200 triệu. Trong vòng 4 tháng, số tiền Nguyên nhận từ Tuấn và những người quen của anh này là gần 25 tỷ đồng (một số khoản có lãi suất, một số khoản Tuấn không lấy lãi). Cũng trong thời gian này, Nguyên chuyển khoản tiền gốc và lãi trực tiếp cho Tuấn hoặc những người khác do anh này chỉ định, tổng cộng 17,7 tỷ, chưa kể tiền mặt trao tận tay. Số tiền còn nợ 6,8 tỷ đồng.
Khi công việc trục trặc, không kịp xoay tiền thì Tuấn cùng đồng bọn đến nhà ép cô ghi giấy mượn nợ 33 tỷ đồng (dù số tiền còn nợ chỉ 6,8 tỷ đồng). Các đối tượng thu giữ hộ khẩu, căn cước công dân và đe doạ Nguyên nếu không thanh toán sẽ không cho gia đình yên ổn.
Hơn 2 tuần sau, Tuấn kéo đến nhà bố mẹ cô để gây sức ép buộc trả nợ thay. Nhóm này quay phim, chụp ảnh các buổi gặp và dùng giấy mượn nợ để tố cáo Nguyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản ra cơ quan công an. Cùng lúc đó, họ bôi nhọ Nguyên trên mạng xã hội và nhắn tin đe doạ sẽ khiến cô "thân tàn ma dại" nếu không hoàn trả số tiền trên.
Ngoài số nợ của Tuấn, Nguyên còn vay tiền từ một số đối tượng khác để xoay vòng vốn kinh doanh với lãi suất phổ biến 1,75% một ngày, cá biệt một trường hợp lãi suất đến 2,5% một ngày và phải thanh toán lãi đều đặn mỗi ngày. Vòng xoáy nợ nần chồng chất và áp lực bị đe doạ khiến cô suy sụp hoàn toàn. "Tôi bất an, tuyệt vọng nên đã muốn tìm đến cái chết", Nguyên chia sẻ.
Trước câu chuyện của Nguyên, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, đây là nạn nhân điển hình của các băng nhóm tín dụng đen đang hoạt động với thủ đoạn ngày càng tinh vi và phức tạp. Tuy nhiên, hậu quả để lại với Nguyên còn tương đối nhẹ bởi có những người vướng vào tín dụng đen đã gây án mạng, tự tử, tan nát gia đình hay bỏ quê lánh nạn.
Ông Tú nhận định, sự tồn tại và bùng nổ của tín dụng đen trong vài năm trở lại đây xuất phát từ hai nguyên nhân chính.
Thứ nhất, đây là quy luật cung cầu tất yếu. Người dân có những nhu cầu không thiết yếu mà tín dụng chính thức không thể đáp ứng như vay tiền đánh bạc, cá độ, chơi ma tuý, làm ăn phi pháp... nên tạo thành mảnh đất màu mỡ cho tín dụng đen. Thứ hai, tín dụng chính thức của ngành ngân hàng chưa bao phủ được nhu cầu của người dân.
Đồng quan điểm, Thiếu tá Trịnh Khánh Hùng – Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP HCM cho rằng, nạn nhân của hoạt động tín dụng đen hầu hết là người đi vay với tâm lý được giải ngân nhanh, không cần thế chấp tài sản và thủ tục chứng minh chi tiết. Các nhóm đối tượng cho vay đánh vào nhu cầu này nên thường tập trung quanh các khu công nghiệp, trường đại học... để giăng bẫy công nhân và sinh viên.
Hoạt động được thực hiện bằng nhiều phương thức tinh vi nên ngay cả người đi vay có thể không nhận ra. Ví dụ như quảng cáo trên mạng, phát tờ rơi vay tiền không cần gặp mặt, núp bóng doanh nghiệp (tư vấn tài chính, dịch vụ bảo vệ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ...). Gần đây còn xuất hiện tình trạng một số người Trung Quốc mốc nối với người Việt Nam lập ứng dụng cho vay trên điện thoại thông minh, nhưng lãi suất lại ở mức rất cao.
Theo ông Hùng, các nhóm này luôn ghi lãi suất trên giấy tờ thấp hơn thoả thuận để đối phó với công an. Đến lúc người vay không trả được thì họ khủng bố tinh thần bằng cách nhắn tin đe doạ, ném chất bẩn vào nhà, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích và thậm chí là giết người.
Trước thực trạng trên, ông Tú khẳng định quan điểm của cơ quan điều hành ngành ngân hàng là luôn quyết tâm xoá bỏ tín dụng đen, không coi đây là một đối tượng để cho vay tiêu dùng phải cạnh tranh. Trong thời gian qua, Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp và triển khai quyết liệt nhiều biện pháp để đẩy lùi. Một bên trấn áp các đối tượng cho vay nặng lãi, một bên tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tín dụng chính thức từ các ngân hàng.
* Tên nhân vật đã thay đổi.
Thiên Ngân