Muốn nhìn về chính sách của chính quyền Biden thì trước tiên phải nhìn Biden đang đối diện với một nước Mỹ rất khác: cả những vấn đề thác thức khách quan đang đặt ra lẫn vấn đề nội trị của nước Mỹ, bao gồm cả cuộc bầu cử và chuyển giao không yên ả.
Tổng thống Biden lên nắm quyền sẽ phải đối diện với một nước Mỹ rất khác so với trước đây. Nước Mỹ rất khác không chỉ vì 4 năm của Donald Trump mà còn bởi vì chính nước Mỹ đã rất khác.
Điều này sẽ chi phối rất nhiều cả đối nội và đối ngoại chính quyền Biden sắp tới.
Nước Mỹ vẫn đang chìm trong một cuộc khủng hoảng đa chiều mà nặng nhất là chưa kiểm soát được Covid, nền kinh tế khó khăn, chưa có dấu hiệu phục hồi. Đây là vấn đề rất cấp bách đối với nước Mỹ.
Những gánh nặng mà trước đây ông Trump phải chịu trách nhiệm với tư cách là Tổng thống thì nay chuyển sang cho ông Biden. Một "di sản" không hề nhỏ. Người dân lựa chọn Joe Biden thay vì Donald Trump có lẽ do nhân tố quan trọng nhất là tình hình đại dịch, và khó khăn kinh tế.
Ông Biden thắng cử với tỷ lệ cách biệt khá rõ ràng: 306/232 phiếu Đại cử tri và 81 triệu/74 triệu phiếu bầu phổ thông. Con số phiếu bầu phổ thông lần này, nếu so với cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, thì là một cách biệt lớn khi Trump thua Hillary Clinton chỉ với 2,8 triệu phiếu phổ thông.
Tuy nhiên, mặc dù chiến thắng đã rõ nhưng đây lại là cuộc bầu cử nhiều tranh cãi và chất vấn chưa từng có, kéo dài từ lúc bắt bầu cử đến ngày chuyển giao chính quyền, gây ra hệ lụy rất lớn mà có lẽ không ai mong muốn, kể cả chính bản thân ông Trump. Đó là việc người biểu tình xô xát, xâm nhập trái phép tòa nhà Quốc hội. Đây là câu chuyện tất cả phải lên án.
Chưa có lễ nhậm chức nào diễn ra trong khung cảnh sau một cuộc lộn xộn, nước Mỹ chia rẽ, cảnh sát, an ninh được huy động như thời kỳ thiết quân luật, thậm chí như thời kỳ chiến tranh. Cho dù Trump chấp nhận chuyển giao trật tự, hòa bình và suôn sẻ nhưng phân cực chính trị vẫn còn rất lớn.
Cuộc bạo loạn ngày 6/1 tại tòa nhà Quốc hội Mỹ. Ảnh: Reuters
Hệ lụy cuộc bạo loạn 6/1 một mặt bộc lộ sự phân cực, quá khích trong xã hội, mặt khác buộc người ta nhìn lại vai trò những thiết chế khác nhau trong lòng nước Mỹ.
Sự phân cực này càng sâu sắc hơn khi Quốc hội do phe thắng cử chi phối tiếp tục theo đuổi những hình thức khác trừng phạt Tổng thống tiền nhiệm.
Sau ngày 20/1, khi đảng Dân chủ giành quyền lợi thế ở Thượng viện, một phiên tòa của Thượng viện hoàn toàn có thể diễn ra, với hàm ý không chỉ phế truất còn cấm ông Trump tham gia nhiệm vụ chính trị, cấm tái tranh cử Tổng thống trong thời gian tới.
Một điều cần lưu ý là, ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống khi mà quyền lực về tay Dân chủ, cả ở cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội.
Khi nắm được đa số cả Thượng viện và Hạ viện, ông Biden có thể dễ dàng chủ động về nghị sự và chính sách. Tuy nhiên, với tỷ lệ rất mong manh: tại Thượng viện, cả 2 đảng ngang nhau, Dân chủ được lợi về phiếu Chủ tịch (do Phó Tổng thống giữ); còn tại Hạ viện, đảng Dân chủ thắng đảng Cộng hòa với tỷ lệ 222/211 ghế. Với tỷ lệ sít sao và với sự phân cực chính trị như hiện nay thì đạt được đồng thuận không phải là dễ.
Trong khi đó, đảng Cộng hòa bỗng ở thế yếu. Trong 4 năm qua, ông Trump đã tác động vào chiều hướng và tập hợp lực lượng cử tri rất lớn kể từ chiến thắng 2016. Thì nay, việc ông Trump thất cử mà cuộc bạo loạn hôm 6/1 buộc đảng Cộng hòa phải tìm lại tính chính danh trong lòng cử tri. Thậm chí, họ phải tìm cách vừa tận dụng 74 triệu cử tri đã bỏ phiếu cho ông Trump, vừa phải tìm cách tách ra khỏi Trump như thế nào. Cuộc khủng hoảng này làm cho câu chuyện giữa hai đảng vừa là mâu thuẫn vừa là mạnh - yếu, khiến cho câu chuyện hợp tác khó hơn rất nhiều.
Như vậy, sự phân cực của nước Mỹ thể hiện cả ở hạ tầng (y tế, giáo dục, kinh tế, tôn giáo, chủng tộc) lẫn thượng tầng (giữa các đảng phái chính trị) và điều này làm cho thông điệp đoàn kết lại nước Mỹ như ông Joe Biden muốn dường như không dễ dàng.
Câu chuyện về đối ngoại, thông điệp lớn nhất là "Khôi phục lại vai trò lãnh đạo của nước Mỹ" và lấy lại lòng tin báo hiệu chính quyền của ông Biden sẽ nhấn mạnh lợi ích giá trị và hệ thống đồng minh với cung cách ngoại giao truyền thống. Tuy nhiên, chính quyền mới sẽ phải đối mặt với thực tế là có một vài việc làm ngay được, một số việc chưa làm ngay được và một số việc sẽ phải đối mặt thách thức nếu điều chỉnh chính sách.
Cũng theo như phát biểu của ông Biden thì hệ thống đồng minh NATO, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc nhất định sẽ khôi phục lại.
Ông Biden từng nói, những cuộc điện đàm đầu tiên sẽ kết nối với các đồng minh của mình ở phía bên kia Đại Tây Dương. Tức là các thiết chế, network với đồng minh sẽ là ưu tiên. Bên cạnh đó là hệ giá trị bao gồm dân chủ, nhân quyền, biến đổi khí hậu, năng lượng sạch… cũng được nhấn mạnh
Còn đối với Trung Quốc, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung vẫn tiếp tục, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục là mối thách thức của nước Mỹ. Quan điểm này có được sự đồng thuận giữa hai đảng và sẽ được kế thừa từ chính quyền tiền nhiệm nhưng chính quyền ông Biden sẽ quản trị cạnh tranh Mỹ - Trung theo tính ổn định chiến lược cao hơn.
Trong chiến lược đối ngoại chung của nước Mỹ, khôi phục tham vấn, phối hợp với đồng minh, đối tác, sử dụng kênh đa phương nhiều hơn sẽ là một điểm quan trọng. Một trong những sáng kiến được cho là rất quan trọng trong năm 2021 mà Biden đã nêu là Hội nghị thượng đỉnh các nước dân chủ, qua đó chấn hưng lại hệ thống đồng minh, hệ giá trị của Mỹ và phương Tây, thông qua con đường ngoại giao truyền thống và sử dụng nhiều hơn công cụ đa phương, xây dựng trật tự quốc tế để xử lý các vấn đề toàn cầu và cạnh tranh Mỹ - Trung.
Tuy nhiên, chiến lược này cũng chứa đựng đầy thách thức do tình hình thay đổi. Trung Quốc hiện nay đã là nền kinh tế thứ 2 thế giới, nên không chỉ lợi ích Mỹ mà chính lợi ích của đồng minh Mỹ cũng đan xen với lợi ích Trung Quốc.
Đối mặt với một Trung Quốc đang quyết liệt xây dựng giấc mơ Trung Hoa, một Trung Quốc bỏ ẩn mình chờ thời, vươn ra thế giới, liệu đồng minh đi với Mỹ đến đâu? Đây là câu chuyện không dễ, đặc biệt là châu Âu, khi EU vừa ký hiệp định đầu tư với Trung Quốc.
Bản thân Mỹ, dù cạnh tranh cũng phải mở ra những hợp tác với Trung Quốc về thương mại trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó là một số vấn đề quốc tế và khu vực phải hợp tác như Triều Tiên, biến đổi khí hậu. Liệu có làm chùn những chiến lược sắc nhọn trong cạnh tranh với Trung Quốc hay không?
Có rất nhiều vấn đề di sản của Trump, được coi là cái khung chính sách và lợi thế tạo ra thời chính quyền tiền nhiệm, chưa rõ Biden sẽ xử lý thế nào, nhưng theo cá nhân tôi, chính sách của chính quyền mới với Trung Quốc và châu Á sẽ phần nhiều là kế thừa nhưng sẽ có chọn lọc và từng bước chứ không bỗng chốc đảo lộn, như câu chuyện đánh thuế Trung Quốc, cấm vận liên quan đến Hồng Kông, Tân Cương và Biển Đông. Đây cũng chính là cái lợi thế mà thời ông Trump đã tạo ra và để lại.
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương chắc chắn vẫn là nội dung cực kỳ quan trọng trong chiến lược an ninh và đối ngoại sắp tới của Mỹ.
Một trong những nơi có sự song trùng quan điểm và lợi ích dù cách tiếp cận khác nhau, chính là châu Á - Thái Bình Dương. Dù cách triển khai của ông Trump là bất ngờ, không mang tính ngoại giao truyền thống nhưng trong nội hàm của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có sự đồng thuận của cả hai đảng. Và sau một thời gian các đối tác trong khu vực lưỡng lự thì nửa sau này, từ 2019 đến 2020, khu vực chấp nhận ở một cách nào đó Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tức là có cả nhân tố bên trong lòng nước Mỹ với sự đồng thuận cả hai đảng và các nhân tố bên ngoài nước Mỹ.
Có khả năng chính quyền mới sẽ thừa kế câu chuyện Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do rộng mở, dựa trên luật lệ kết hợp với những chính sách cốt lõi tái cân bằng của Obama nhưng có cập nhật với tình hình 4 năm qua đã thay đổi. Đó chính là câu chuyện Mỹ - Trung.
Cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ thể hiện rõ hơn ở khu vực này. Vừa qua, cả Biden và đội ngũ nòng cốt của ông như ứng viên Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng hay Đại diện Thương mại đều nói về chính sách cứng rắn với các thách thức từ Trung Quốc. Nhưng cách của Biden sẽ ổn định, chiến lược hơn, phối hợp nhiều hơn với hệ thống đồng minh, đối tác, tránh đẩy quan hệ vào thế có thể bị rủi ro bất cứ lúc nào.
Bên cạnh đó, trong việc tập hợp lực lượng ở khu vực, vẫn coi trọng ASEAN sẽ là sự tiếp nối nhưng còn một yếu tố nữa, mới xuất hiện dưới thời Donald Trump là QUAD. Chắc chắn nước Mỹ sẽ nhìn lại, thời trước và thời này, ASEAN quan trọng nhưng ASEAN là chưa đủ, vai trò nước Mỹ quan trọng nhưng hệ thống đồng minh, tập hợp lực lượng quan trọng, để tạo ra hệ thống sáng kiến nhằm quản trị cạnh tranh và hợp tác với Trung Quốc, Mỹ sẽ coi trọng QUAD, và có thể là QUAD mở rộng.
Mặt khác, nước Mỹ cũng sẽ phải cân nhắc các bài học trước đây, như bài học về Scarborough trong khi câu chuyện Biển Đông còn phức tạp, hay khoảng trống thiếu hụt do việc Mỹ rút khỏi TPP thì nay phải gắn kết lại với khu vực về kinh tế thương mại như thế nào.
Nhìn vào nhân sự mới của Biden, để nói về chính sách đối ngoại phải kể đến cách nhìn 3 người: Bộ trưởng Ngoại giao Antony Blinken, Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, và đặc biệt là Kurt Campbell, Phó trợ lý Tổng thống và Điều phối về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Hội đồng An ninh quốc gia. Đây đều là những ngời chuyên nghiệp và sẽ quay lại hệ giá trị Mỹ và ngoại giao truyền thống.
Blinken là con người rất sắc sảo, là người đã trực tiếp trao đổi với tôi trong việc chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ, cũng như chuyến thăm của Tổng thống Obama đến Việt Nam, và cũng là người chuẩn bị cho chính sách Tái cân bằng. Blinken là người thân tín về tư vấn đối ngoại cho Biden, từng làm việc cho Biden khi ông còn làm Thượng nghị sĩ và Phó Tổng thống. Khi ông Biden ứng cử cuộc đua Tổng thống, Blinken cũng là người chủ chốt tư vấn chính sách cho Joe Biden.
Ông Antony Blinken. Ảnh: Reuters
Trong số nhân sự của Biden lần này, có nhiều người nắm rất vững về Trung Quốc, phục vụ mục tiêu quản trị cạnh tranh vừa hợp tác mang tính ổn định và chiến lược, tạo ra sự cân bằng để quản trị cạnh tranh Mỹ - Trung và tạo ra trật tự ở khu vực.
Đặc biệt, chính cái tên Kurt Campbell dường như cho thấy Mỹ sẽ theo đuổi Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Trong khi những nhân vật khác nắm về quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương và châu Á, tức là mang tính chiến lược nhiều hơn thì Kurt Campbell nắm về châu Á, trong đó có Trung Quốc và cả về các nước khác. Kurt Campbell có chiều sâu kinh nghiệm đối với khu vực này, đồng thời có cả những cọ xát và bài học ở khu vực trong đó có vấn đề Mỹ - Trung.
Chức vụ của Kurt Campbell là chức vụ mới, bao quát toàn bộ không gian địa chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, có trách nhiệm điều phối bảo đảm chính sách thống nhất chung, từ hội đồng an ninh quốc gia bao gồm cả kinh tế, ngoại giao, quốc phòng…
Có thể nói, Kurt Campbell, cùng với cương vị mới, sẽ là "ông trùm" về châu Á.
Kurt Campbell từng là Trợ lý Ngoại trưởng về Đông Á, thời Tổng thống Obama xoay trục sang Châu Á.
Tháng 7/2010, Kurt Campbell đã có buổi ăn trưa làm việc với đại sứ các nước ASEAN tại Washington D.C, với một thông điệp đặc biệt: Nước Mỹ muốn tham gia Cấp cao Đông Á (EAS). Đó là thông điệp rất mới của nước Mỹ. Cũng chính từ buổi ăn trưa của Kurt ở Washington DC đó đã dẫn tới một trong những câu chuyện lý thú và quan trọng nhất, đó là ASEAN và EAS đồng ý và quyết định mời Mỹ - Nga vào Cấp cao Đông Á, ngay trong năm 2010, khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN. Từ đó, EAS có cả Mỹ và Trung Quốc, tạo cho ASEAN và EAS tầm chiến lược mới ở khu vực.
Trong 25 năm qua, nước Mỹ cũng đã không ít lần thay đổi chính quyền, đến từ cả hai đảng, dẫn đến những thay đổi về ưu tiên và chính sách với khu vực và các nước. Thế nhưng, thời gian này cũng đã chứng kiến đà quan hệ hai nước đã không ngừng phát triển, trở thành đối tác toàn diện, mở rộng cả hợp tác về song phương và trên các vấn đề khu vực, quốc tế. Đó là nền tảng của hiểu biết, tin cậy, cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau, trong đó có tôn trọng thể chế chính trị của nhau.
Nước Mỹ nhất quán khẳng định ủng hộ một Việt Nam độc lập, vững mạnh và thịnh vượng. Điều này càng thể hiện rõ trong những năm gần đây, từ thời Tổng thống Barrak Obama, đến Tổng thống Donald Trump. Chắc chắn quan hệ hai nước sẽ có nhiều nhân tố thuận lợi và tiếp tục được đà phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời Tổng thống mới của nước Mỹ, Joe Biden.
Cá nhân ông Biden, từng 8 năm làm Phó Tổng thống dưới thời ông Obama, là thời kỳ có nhiều dấu mốc quan trọng nhất trong quan hệ hai nước: đó là việc thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt - Mỹ; chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đến Mỹ.
Quan trọng và đáng chú ý là, cá nhân Biden tham gia vào câu chuyện đó, dự cuộc hội đàm của Tổng Bí thư, trực tiếp chủ trì tiệc chiêu đãi trong một chuyến thăm mang tính dấu mốc lịch sử của quan hệ hai nước. Phu nhân của ông, bà Jill Biden cũng đã đến thăm Việt Nam. Đây là một câu chuyện tốt.
Trên bình diện khu vực, việc nước Mỹ thời chính quyền mới tiếp tục chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thì điều này cũng có nhiều mặt thuận, trong đó việc xây dựng một khu vực hòa bình, hợp tác và dựa trên luật lệ như cách tiếp cận trong Tài liệu quan điểm của ASEAN về vấn đề này.
Như vậy, có thể điểm lại mấy việc cần được lưu ý và nhấn mạnh thêm.
Thứ nhất, đó là nền tảng, các nguyên tắc quan hệ và lợi ích đan xen giữa hai nước.
Thứ hai, nước Mỹ đánh giá cao công cuộc đổi mới, hội nhập và vị thế địa chiến lược của Việt Nam.
Thứ ba, bản thân tân Tổng thống Biden và đội ngũ chính sách nòng cốt, nhiều người hiểu biết Việt Nam.
Thứ tư, chính quyền mới của Mỹ tiếp tục coi trọng hợp tác, gắn kết và tham vấn với khu vực, nhất là ASEAN. Thêm nữa, trong quan hệ sắp tới với Trung Quốc, chính quyền mới ở Mỹ cho thấy, dù vẫn đẩy mạnh cạnh tranh, nhưng sẽ tiếp cận theo cách ổn định chiến lược hơn, điều này giúp giảm bớt rủi ro và có thể tạo ra bối cảnh thuận lợi hơn cho tham vấn, hợp tác chung ở khu vực.
Có thể thấy, quan hệ hai nước đang có đà phát triển thuận lợi. Mỗi khi thay đổi chính quyền, cũng sẽ kéo theo việc thay đổi các quan tâm và thứ tự ưu tiên, trong đó chắc chắn sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội, nhưng cũng có thể có những khác biệt mới.
Chẳng hạn, khi Mỹ nhấn hơn về giá trị, thì có thể có nhạy cảm về dân chủ nhân quyền, nhưng cũng lại mở ra hợp tác về môi trường, biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, hay trong cả vấn đề an ninh nguồn nước Mê Công. Việc nước Mỹ sắp tới trở lại coi trọng hơn đa phương, thì cũng sẽ thuận hơn cho việc tăng cường các kênh tham vấn và vai trò của ASEAN.
Thời kỳ Trump, cũng còn tồn tại vấn đề Mỹ cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ, điều tốt là trước mắt Mỹ chưa làm gì bất lợi, nhưng vấn đề vẫn còn treo ở đó, vậy thì cần phải bàn và tin rằng hai bên có thể giải quyết dứt điểm năm tới khi Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đến thời hạn rà soát lại. Rồi về kinh tế thương mại, liệu nước Mỹ thời Biden, có tìm cách trở lại một dạng nào đó của TPP hay không, mặc dù biết rằng đây vẫn là câu chuyện khó khăn trong nội bộ Mỹ.
Hay câu chuyện về thương mại song phương giữa hai nước, từ sau BTA ký năm 1999, đến thỏa thuận về WTO năm 2006, đến giữa những năm 2000, hai nước bàn về song phương chủ yếu đặt chung trong câu chuyện của TPP. Nay TPP có Mỹ không còn nữa, vậy cũng nên cân nhắc cập nhật khuôn khổ thương mại song phương như thế nào, kể cả khả năng một FTA giữa hai nước, khi mà kinh tế - thương mại giữa hai nước, trong hai thập kỷ qua đã mở rộng và tăng thêm gấp nhiều lần.
Nhìn chung, trong cục diện quốc tế và khu vực hiện nay, với thế và lực mới của Việt Nam cùng với đà quan hệ, đây là lúc hai bên tính đến rà soát, mở rộng, sâu sắc hơn nâng tầm quan hệ hai nước.
Với cá nhân tôi, quan hệ của hai nước đã ở tầm chiến lược, còn đặt tên là Đối tác chiến lược hay như thế nào là quyết định của hai nước.
Đại sứ Phạm Quang Vinh (Đoàn Lan Hương ghi)
Doanh nghiệp tiếp thị