Cho đến phiên giao dịch chứng khoán ngày 21.1, 2 ngày qua đi sau phiên giảm điểm lịch sử (19.1), VN-Index vẫn chưa thể lấy lại những gì đã mất, dù đã có 2 phiên tăng điểm trở lại.
Một cách rơi điểm bất thường
Thị trường tăng kéo dài nhiều tháng và có độ dốc cao được gọi là tăng nóng, thì việc điều chỉnh mạnh một vài phiên cũng là chuyện thường xảy ra. Tuy nhiên, cách điều chỉnh với phiên ngày 19.1 lại rất khác trước đây, trong đúng 1 phiên VN-Index rơi tự do gần 61 điểm, tương ứng hơn 5%.
Cho tới thời điểm này, đây là phiên giảm số điểm nhiều nhất lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trên thực tế, đà giảm từ đầu phiên có dấu hiệu chững lại sau 45 phút thị trường mở cửa và duy trì ở biên độ giảm điểm chỉ 1 con số. Tuy nhiên, cũng vào thời điểm đó, sàn HoSE lại xuất hiện dấu hiệu nghẽn giao dịch, tiếp nhận lệnh chậm và trả kết quả chậm.
Còn bảng điện tử tại các công ty chứng khoán trong thời điểm đó cũng xảy ra hiện tượng cập nhật chậm và giá khớp thực tế khác với giá khớp hiển thị trên bảng điện từ.
Và chỉ khoảng chục phút sau, các lệnh bán ào ạt tung ra, VN-Index dần mất điểm mỗi lúc một mạnh, dẫn đến một phiên giảm điểm được các chuyên gia thị trường chứng sau đó cho là bất thường.
Thứ nhất, vì trong ngày 19.1 không có thông tin tiêu cực hay biến cố gì bất lợi tác động đến thị trường chứng khoán. Thứ hai, cách điều chỉnh sau chuỗi tăng nóng nhưng lại diễn ra theo cách cứ như thị trường đang đứng trước khủng hoảng kinh tế tài chính. Thứ ba, dòng tiền trên thị trường vẫn cực mạnh chứ không hề có sự rút đi.
Sự hốt hoảng vì thiếu hiểu biết
Ngay trong phiên giảm lịch sử ngày 19.1, nhiều thông tin ban đầu về kết quả kinh doanh quí IV/2020 của các doanh nghiệp niêm yết cho thấy vượt kì vọng, cùng với bối cảnh nền kinh tế chung lạc quan. Vì thế, nhiều nhà đầu tư đứng trước phiên giảm điểm bất thường đã hỏi nhau trên các diễn đàn chứng khoán hoặc xin tư vấn từ công ty chứng khoán… Và thông tin xác nhận được là, không có thông tin nào tiêu cực trong nước và quốc tế được xem là nguyên nhân tác động gây giảm điểm nặng nề như vậy.
Các thông tin khuyến cáo lập tức được các công ty chứng khoán đưa ra, khuyên nhà đầu tư bình tĩnh, không nên hoảng loạn bán tháo, vì thị trường đang ổn định và lạc quan, không có dấu hiệu gì khiến thị trường chứng khoán phải hứng chịu đà rơi bất thường nặng nề như vậy.
Tuy nhiên, theo các phân tích cuối phiên, đa phần những người bán tháo là nhà đầu tư F0 non kinh nghiệm, thậm chí chịu áp lực phải bảo vệ thành quả đầu tư, áp lực vay giao dịch kí quĩ (margin), cho nên khi thấy VN-Index giảm hơi mạnh là đẩy lệnh bán ra ào ạt. Lệnh bán ra mạnh gặp tình trạng nghẽn giao dịch, bảng điện tử loạn nhịp, càng khiến F0 lo lắng thoát hàng không kịp nên đặt bán theo lệnh thị trường (MP), từ đó bên mua có thể mua được với mức giá thấp nhất, càng khiến VN-Index giảm mạnh.
Khi làn sóng bán tháo của F0 dâng cao, các nhà đầu tư kinh nghiệm cũng không thể đứng yên nếu không muốn tài khoản bị bốc hơi vì danh mục cổ phiếu nắm giữ “lau sàn”, đặc biệt đối với những người đang dùng tỉ trọng margin lớn, đành cũng phải bán tháo theo càng khiến thị trường giảm sâu.
Sự hốt hoảng bầy đàn làm nảy sinh tai ương, thiệt hại cho nhà đầu tư không phải là câu chuyện mới. Nhưng với làn sóng nhà đầu tư F0 tham gia thị trường từ tháng 4.2020 trở lại đây, hầu như mới chỉ hưởng “mật ngọt”, thì phiên 19.1 có lẽ là bài học xương máu lớn đầu tiên họ phải nếm trải.
Bởi chỉ vì 1 phiên hốt hoảng bán tháo có thể lấy mất đi đa phần lợi nhuận trong nhiều tháng. Thậm chí trong phiên sáng ngày 20.1, sự hốt hoảng tiếp diễn khiến không ít F0 bán nốt danh mục để rồi cuối phiên thị trường tăng trở lại, thiệt hại còn nhiều hơn.
Xem thêm: odl.288278-191-yagn-toh-gnaoh-hcid-oaig-neihp-ut-oan-coh-iab-naohk-gnuhc/et-hnik/nv.gnodoal