Trao đổi với báo chí ngày 21/1 tại chương trình khởi động thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vaccine Covivac liên quan đến những lo ngại về biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ của vaccine hay không, các chuyên gia cho rằng hiện chưa có bằng chứng khoa học cho thấy biến chủng ảnh hưởng đến tính kháng nguyên của vaccine.
TS. Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế cho biết, hiện các nhà khoa học trên thế giới chưa có những bằng chứng cụ thể để có thể khẳng định những biến chủng của virus SARS-CoV-2 có ảnh hưởng đến tác động bảo vệ của vaccine hay không. Do đó, vấn đề này sẽ cần thời gian và các số liệu khoa học để khẳng định.
Trao đổi về vấn đề này, GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho rằng, theo công nghệ hiện nay IVAC đang sử dụng đó là dùng đoạn protein S của virus SARS-CoV-2 làm kháng nguyên thì biến chủng của virus chỉ đột biến trên một số điểm nên không ảnh hưởng đến vaccine Covid-19.
Vaccine Covivac với công nghệ sản xuất là vaccine vector Newcastle (NDV), gắn gen biểu hiện Protein S của virus SARS-CoV-2 dựa trên công nghệ sản xuất trên trứng gà có phôi. Công nghệ này cũng được sử dụng để sản xuất vaccine dự phòng cúm mùa đang lưu hành tại Việt Nam.
Các nhà khoa học sử dụng protein S của virus này làm kháng nguyên. Trên thế giới ghi nhận đột biến trên một số chủng ở Anh, Nam Phi, trong đó ghi nhận một số điểm trên gene mã hóa S.
"Tuy nhiên, đoạn gene của protein S khá dài, nếu so sánh một vài điểm đột biến sẽ không ảnh hưởng đến tính kháng nguyên của đoạn protein S đó. Theo số liệu hiện nay chúng tôi đang cập nhật trên thế giới, đối với các loại vaccine khác cũng sử dụng kháng nguyên tương tự như vậy thì không ảnh hưởng đến tính kháng nguyên cũng như tính sinh miễn dịch của vaccine", GS Đặng Đức Anh cho biết.
Cũng theo GS Đặng Đức Anh, ở một số biến chủng của SARS-CoV-2 đã được ghi nhận khi so sánh các đột biến sẽ có điểm khác nhau, tuy nhiên, toàn bộ đoạn protein S không bị ảnh hưởng.
Mặc dù các đột biến này có tốc độ lây lan nhanh hơn các chủng cũ, nhưng về lâm sàng chưa ghi nhận tình trạng bệnh nặng hơn, đồng thời tỷ lệ tử vong cũng không có sự khác biệt.
"Đối với virus, việc đột biến là xảy ra thường xuyên, ví dụ vaccine cúm hàng năm đều có sự đột biến, thay đổi. Các nhà sản xuất sẽ dựa theo những thông tin đó để lựa chọn và điều chỉnh cho phù hợp nhất", GS Đặng Đức Anh nói và cho hay, hiện nay các nhà sản xuất vaccine trên thế giới vẫn sử dụng chủng này để sản xuất các loại vaccine Covid-19.
Kết quả cho thấy đáp ứng miễn dịch tốt, không bị ảnh hưởng tới kháng nguyên và tính sinh miễn dịch.
Thông tin thêm dưới góc độ khoa học, GS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng về mặt lý thuyết, nếu như đột biến điểm, khoảng 1,2,3 điểm sẽ không làm ảnh hưởng tới kháng nguyên. Đây là lý do các nhà khoa học trên thế giới tiếp tục tạo ra vaccine dựa trên các chủng ban đầu.
"Mặc dù vậy, trong quá trình đột biến virus có thể thay đổi rất nhiều, rất nhiều điểm, đến chừng mực nào đó có thể ảnh hưởng đến kháng nguyên thì cần một thời gian nhất định"- GS Tạ Thành Văn thông tin.
Ông Phạm Văn Tác, Cục trưởng Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cũng cho biết, vaccine Covivac được phát triển trên chủng mới của vaccine SARS-CoV-2, do đó chúng ta có thể hoàn toàn đặt niềm tin vào vaccine này.
Xem thêm: mth.54261906112101202-eniccav-aoh-ueih-ov-oc-2-voc-sras-suriv-auc-iom-gnuhc-neib/nv.ymonocenv