Còn khoảng 3 tuần nữa là tới Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 nhưng tiểu thương các chợ truyền thống tại TPHCM vẫn dè dặt chưa lấy nhiều hàng để bán Tết vì sức mua năm nay giảm trầm trọng.
Tiểu thương đứng ngồi không yên
Nhiều ngày nay, tiểu thương các chợ truyền thống tại TPHCM đứng ngồi không yên. Cùng thời điểm này những năm trước, họ đang tất bật lấy hàng chuẩn bị bán Tết thì nay xuất hiện cảnh tượng chưa từng thấy, nhiều sạp hàng im lìm chờ đóng cửa, có nơi chỉ lấy hàng cầm chừng vì sức mua giảm nghiêm trọng.
Báo cáo từ Ban quản lý chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), trong hai năm qua, có 449 sạp hàng tạm ngưng kinh doanh trên tổng số hơn 1.600 sạp ở khu chợ này.
Chợ Phạm Văn Hai là khu chợ bán đa dạng các mặt hàng, từ thịt cá, rau củ quả đến các loại bánh mứt kẹo. Hàng ngày, lượng hàng nhập vào chợ bình quân khoảng 2 tấn thịt heo, 3 tấn thịt bò, 500 kg thịt gà, 500 kg thủy hải sản và 600 kg rau, củ, quả các loại. Lượng hàng nhập giảm nhiều so với trước.
Chị T. (tiểu thương chợ Phạm Văn Hai) cho biết, gian hàng bán bánh kẹo, mứt tết của chị năm nay thưa vắng khách nên chỉ lấy hàng trưng bày chứ chưa dám lấy số lượng lớn. "Bánh mứt năm nay giá cả không biến động nhiều nhưng vẫn không có nhiều người mua. Dịch bệnh nên có lẽ nhiều người cũng mua sắm Tết tiết kiệm hơn" - chị T. tâm sự.
Tình hình chợ An Đông (quận 5, TPHCM) cũng không mấy khả quan. Ông Đinh Hồ Duy Ngọc (Trưởng Ban quản lý Trung tâm Thương mại dịch vụ An Đông) cho biết sức mua tại đơn vị có tăng vào dịp cận Tết nhưng không bằng cùng kỳ năm ngoái.
"Khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất trong đợt dịch COVID-19 vừa qua là các ngành hàng khô, tạp phẩm, ăn uống và ngành hàng mỹ nghệ do khách hàng chủ yếu là khách du lịch từ nước ngoài. Đỉnh điểm là trong tháng 4 năm 2020, tổng số hộ kinh doanh đăng ký ngưng và tạm ngưng kinh doanh là 607 trên tổng số 1.153 hộ" - ông Duy cho biết.
Theo lời kể của tiểu thương chợ An Đông, hầu như không có khách hàng đến tham quan, mua sắm trong những ngày đầu tháng 4 năm 2020. Từ giữa tháng 8 đến nay, hoạt động kinh doanh có phần khởi sắc trở lại, tuy nhiên, sức mua vẫn ở mức thấp.
Tiểu thương tự cứu lấy mình bằng chất lượng sản phẩm an toàn
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan (Trưởng ban Ban An toàn thực phẩm TPHCM), thành phố còn 239 chợ truyền thống, trong đó có 3 chợ đầu mối. Bảo đảm cung ứng thực phẩm cho bộ phận lớn người dân thành phố. Trong mùa dịch bệnh qua, các chợ truyền thông tương đối ế ẩm vì nhiều người ngại đi chợ. Sức mua có lấy lại được trong dịp Tết này hay không là nhờ vào nỗ lực tự thân của các chợ.
"Các chợ phải tự cứu mình bằng chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm để khách hàng tin tưởng, lựa chọn mua hàng. Ban An toàn thực phẩm cùng các cấp, ngành trong năm qua đã nỗ lực xây dựng mô hình chợ thí điểm an toàn thực phẩm. Việc này tiến hành tương đối khó khăn nhưng hiện vẫn theo chiều hướng tích cực. Khi chợ đảm bảo an toàn thực phẩm, người dân sẽ yên tâm quay trở lại mua sắm" - bà Lan cho biết.