Cụ thể, Sở GTVT TP cho biết trên địa bàn TP.HCM đã triển khai thí điểm vận hành 3 tuyến xe buýt không trợ giá, sử dụng xe 4 bánh (12 chỗ) gắn động cơ chạy bằng năng lượng điện hoạt động trong phạm vi hạn chế trên địa bàn TP.
Việc thí điểm được thực hiện từ năm 2017 theo đề án do Công ty cổ phần tập đoàn Mai Linh và Công ty TNHH quản lý và kinh doanh bất động sản Phố Cảnh. Ba khu vực thí điểm xe buýt điện gồm: Khu trung tâm thành phố, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Sở cho rằng, từ lúc triển khai thí điểm đến nay, với lộ trình cố định, đón trả khách tại các điểm dừng và thời gian hoạt động theo biểu đồ được công bố nên không xảy ra các trường hợp vi phạm các quy định. Sở cũng không ghi nhận trường hợp va chạm, tai nạn giao thông do phương tiện này gây ra và cũng không có phát sinh khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động của phương tiện.
Tuyến xe buýt điện đang thí điểm ở Phú Mỹ Hưng. Ảnh: X.T
“Bước đầu hoạt động của các tuyến xe buýt không trợ giá sử dụng xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện hoạt động trong phạm vi hạn chế đã nhận được sử ủng hộ của người dân và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường” - văn bản Sở GTVT nêu.
Tuy nhiên, do triển khai thí điểm ở phạm vi hẹp, số lượng phương tiện hạn chế và tần suất hoạt động thấp, nên lượng khách đi lại trên các lộ trình hoạt động còn thấp, doanh thu chưa đảm bảo chi phí hoạt động.
Ngoài ra, trong quá trình hoạt động của các tuyến xe buýt điện vẫn còn một số tồn tại như: Nhu cầu sử dụng của người dân chủ yếu tập trung vào buổi tối, các ngày cuối tuần, ngày lễ, tết nên sổ lượng phương tiện hiện tại chưa đáp ứng đủ vào các thời điểm này.
Thời gian sạc pin lâu (từ 6 - 8 giờ/1 lần sạc đầy) và thiếu trạm sạc pin di động cũng gây hạn chế trong công tác vận hành, linh kiện thay thế hiếm, giá thành cao gây khó khăn trong công tác bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện.
Với các lý do đó, trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ, Sở GTVT TP kiến nghị Bộ GTVT xem xét hai vấn đề. Thứ nhất, cho phép kéo dài thời gian triển khai thí điểm loại phương tiện này để phục vụ việc đi lại của người dân được liên tục cho đến khi có quy định (thời hạn thí điểm 3 năm gần hết).
Thứ hai, chấp thuận bổ sung Công ty TNHH vận tải du lịch Gia Nghĩa sử dụng loại phương tiện này để vận chuyển khách kết nối từ bến tàu đến các khách sạn và điểm tham quan, du lịch trên địa bàn huyện Cần Giờ.
Đồng thời, sở cũng kiến nghị bộ sớm ban hành quy định về quản lý hoạt động xe 4 bánh có gắn động cơ điện, trong đó quy định các nguyên tắc về xác định phạm vi hoạt động, các chế tài xử lý vi phạm. Đồng thời, giao UBND các tỉnh, thành phố chủ động quyết định tổ thức triển khai thực hiện theo nhu cầu thực tế của từng địa phương, đảm bảo phục vụ việc đi lại của người dân được thuận lợi và an toàn.