Chiều nay, 21-1, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021.
Hơn 66 nghìn vụ vi phạm bị xử lý
Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, năm 2020, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) phát hiện, xử lý trên 66 nghìn vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước trên 352,15 tỷ đồng; trị giá hàng tịch thu chưa bán ước tính trên 136 tỷ đồng.
Đáng chú ý, kết thúc năm 2020 Tổng cục đã hoàn thành việc sắp xếp tổ chức, bổ nhiệm cán bộ toàn lực lượng, ổn định tư tưởng cho công chức, người lao động để tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn.
Hết năm 2020, cả lực lượng còn 376 Đội QLTT (giảm 45% so với trước khi thành lập), hoàn thành đúng tiến độ công tác này theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Ảnh: AH
Thông tin về tình hình buôn lậu, ông Linh đánh giá càng vào những tháng cuối năm, tình hình buôn lậu càng có xu hướng gia tăng.
Các đối tượng vi phạm thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn và có sự tham gia của các đối tượng nước ngoài, sử dụng phương tiện công nghệ, kỹ thuật cao để đối phó với cơ quan QLTT.
Đơn cử như tình trạng một số công ty có vốn đầu tư nước ngoài, trụ sở tại Việt Nam nhưng không sản xuất tại Việt Nam mà chỉ nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, sau đó thay bằng nhãn mác ghi xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu.
Thậm chí, nhiều đối tượng lợi dụng mua bán online để buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Các đối tượng lập nhiều tài khoản facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp nhưng không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung.
Vụ tổng kho buôn lậu 10.000m2 ở 145 Hoàng Diệu, TP Lào Cai bị lực lượng QLTT phối hợp với các lực lượng chức năng triệt phá là một ví dụ điển hình cho loại tội phạm kể trên.
"Tái xuất trên hồ sơ, hàng tuồn vào nội địa"
Tổng cục Quản lý thị trường cũng chỉ ra các thủ đoạn buôn lậu tinh vi của các đối tượng vi phạm trên các tuyến đường bộ, đường biển, đường hàng không.
Tổng kho buôn lậu 10.000m2 ở 145 Hoàng Diệu, TP Lào Cai bị lực lượng QLTT phối hợp với các lực lượng chức năng triệt phá. Ảnh: BCT
Trên tuyến đường bộ, lợi dụng đời sống khó khăn của cư dân biên giới, các chủ đầu nậu đã thuê người và cửu vạn vận chuyển hàng lậu về Việt Nam và ngược lại, đưa hàng cấm xuất khẩu từ Việt Nam qua biên giới tiêu thụ.
Trên tuyến đường biển, thủ đoạn phổ biến của các đối tượng là hoạt động về ban đêm. Chúng dùng tàu biển công suất lớn, sử dụng các phương tiện thông tin hiện đại để liên lạc và theo dõi chặt chẽ các lực lượng chức năng chống buôn lậu. Khi bị kiểm tra phát hiện, bắt giữ, các đối tượng này sẵn sàng vứt hàng xuống biển để phi tang và chống trả quyết liệt.
Tại các cảng biển, lợi dụng những kẽ hở trong cơ chế, chính sách về tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, thông quan hàng hóa, các đối tượng thực hiện việc “tạm nhập” rồi “tái xuất” sang nước thứ ba, nhưng thực tế thì chỉ “tái xuất trên hồ sơ” còn hàng hóa thì “tuồn” vào thị trường nội địa. Hoặc có “tái xuất” nhưng tới phao số 0 lại tìm cách đưa hàng hóa quay trở lại Việt Nam để tiêu thụ.
Còn trên tuyến hàng không và bưu điện, hàng lậu chủ yếu là hàng gọn nhẹ, giá trị kinh tế cao, dễ cất giấu, như máy ảnh, camera, điện thoại di động, đồng hồ đeo tay, mỹ phẩm, đồ trang sức, kim loại quý, đá quý, ngoại tệ, ma túy và ma túy tổng hợp, thuốc chữa bệnh, vũ khí, công cụ hỗ trợ,...