Ngày 21-1, TS-BS Lê Thành Khánh Vân, Trưởng Khoa Hồi sức - Phẫu thuật tim trẻ em, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết vừa cứu sống một trường hợp bị tai nạn vỡ eo động mạch chủ hi hữu.
Cụ thể, vào 8 giờ tối ngày 8-11, bé trai tên TNT (14 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng) bị xe tải tông bất tỉnh. Bé được đưa vào BV tỉnh sơ cứu và chuyển đến BV Chợ Rẫy 7 tiếng sau khi bị tai nạn.
Cậu bé được cứu sống ngoạn mục dù vỡ eo động mạch chủ. Ảnh: HL
Tại đây, các bác sĩ ghi nhận bé lơ mơ, sinh hiệu không ổn định, trầy xước chân tay, gãy cẳng tay phải nhưng bụng và ngực không có vết trầy xước. Bé được hội chẩn nhiều chuyên khoa và chẩn đoán hình ảnh cho thấy vỡ eo động mạch chủ, máu chảy ra xoang màng phổi bên trái, vỡ ruột non.
Động mạch chủ được biết là một động mạch lớn nhất xuất phát từ tim, dẫn máu đi nuôi các cơ quan trong cơ thể, trong đó eo động mạch chủ là chỗ nối giữa nhánh đưa máu đi lên và đưa máu đi xuống cơ thể, bé trai có thể nhanh chóng tử vong nếu không vá lại chỗ vỡ.
Ngay sau đó, ê kip bác sĩ hồi sức phẫu thuật tim đã vào cuộc để vá lại đoạn eo động mạch chủ. Để đảm bảo máu tưới đều phần trên và phần dưới cơ thể bé, các bác sĩ đã thiết lập hai hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể đồng thời dùng phương pháp hạ thân nhiệt xuống 22 độ C để giảm di chứng thần kinh sau ngừng tuần hoàn.
Mất 10 tiếng, các bác sĩ mới tái tạo thành công eo động mạch chủ bị đứt bằng vật liệu sợi tổng hợp và đóng ngực lại. Sau đó ê kip ngoại tổng quát mới mở bụng và tiến hành khâu ruột non. Sau phẫu thuật, bệnh nhân mất gần 800ml máu ra ngoài màng phổi.
BS Lê Thành Khánh Vân chỉ vị trí tổn thương của eo động mạch chủ của cậu bé 14 tuổi. Ảnh: HL
Ca đại phẫu diễn ra trong 14 tiếng từ 9 giờ sáng đến hơn 10 giờ tối ngày 9-1, với hơn 15 bác sĩ, nhân viên y tế.
BS Vân chia sẻ: “Ca phẫu thuật khá đặc biệt khi bệnh nhân không có vết thương ngoài thành ngực nhưng bị ngoại lực tác động xé rách gần như hoàn toàn eo động mạch chủ.
Thông thường, bệnh nhân rơi vào tình huống này 80% tử vong vì mất máu, không thở được trước khi kịp đến viện. Nhưng với trường hợp này, có thể do màng phổi bên ngoài và màng tim phía trong đã bao quanh, giữ áp lực không để máu tràn ra phổi tự do để bệnh nhân có cơ hội đến bệnh viện”.
Sau ca phẫu thuật khá dài tái tạo động mạch chủ ngực và ruột. Những ngày đầu bệnh nhận đựơc theo dõi điều chỉnh rối loạn đông máu do chạy tuần hoàn ngoài cơ thể lâu. Bên cạnh đó, bác sĩ chỉ định dùng thuốc kháng đông giúp bệnh nhân nằm ngủ yên.
Đến ngày 2,3 sau phẫu thuật, bệnh nhân được giảm an thần và cai máy thở, rút nội khí quản. 68 tiếng sau mổ, tri giác, sinh hiệu, huyết động và chức năng các cơ quan dần hồi phục. Vết thương ở bụng lành tốt, không viêm phúc mạc. Hiện bệnh nhân có thể đi lại và dự kiến xuất viện trong tuần tới.