Sinh viên ĐH Mỹ tại Beirut (AUB) biểu tình phản đối thay đổi tỉ giá tính học phí - Ảnh: REUTERS
Giữa lúc Libăng chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ trước đến nay, hai đại học tư nhân tại Beirut - ĐH Mỹ tại Beirut (AUB) và ĐH Mỹ-Libăng (LAU), đã nâng tỉ giá chuyển đổi ngoại tệ áp dụng đối với học phí lên mức 3.900 bảng Libăng đổi 1 USD.
Cú sốc này đã đẩy sinh viên của họ vào cảnh phải đóng học phí cao gần gấp 3 lần so với các sinh viên chi trả bằng đồng nội tệ.
Là sinh viên AUB, Sahily đang chuẩn bị cho đợt thi cuối kỳ vào tháng 12 khi nhận được thông báo nâng tỉ giá.
"Tôi sợ hãi, căng thẳng và tuyệt vọng. Tôi không biết tôi sẽ làm gì. Tôi không thể trả nổi học phí học kỳ mùa xuân nếu học đủ các khóa. Vì thế tôi phải chọn hoặc chỉ học 2 khóa hoặc không học gì cả.
80% bạn bè quanh tôi đang đối mặt với cảnh này", Sahily nói với Reuters.
Nam sinh này là một trong nhiều sinh viên đã xuống đường hồi tháng 12-2020 để biểu tình quyết định trên của các trường đại học.
Leen Elharake, sinh viên ngành kỹ sư của và phó chủ tịch hội sinh viên của LAU, gọi đó là một động thái "thảm khốc".
Libăng có truyền thống tự hào về hệ thống giáo dục của mình. Được các nhà truyền giáo người Mỹ và Pháp xây dựng từ thế kỷ 19, hệ thống giáo dục của Libăng đã tạo ra nguồn nhân tài dồi dào cho các công việc cao cấp hàng đầu trong và ngoài khu vực Trung Đông.
Tuy nhiên, hệ thống này đang phải đối mặt với thách thức đến từ cả khủng hoảng kinh tế và các giới hạn khắt khe trước đại dịch COVID-19. Libăng đã cấm dạy học trực tiếp từ ngày 7-1.
Cuộc khủng hoảng này đã biến mức tỉ giá 1.500 bảng Libăng đổi 1 USD của các trường đại học trở nên "lạc lõng" so với tỉ giá trên thị trường, thứ đã lên đến 8.500 bảng Libăng đổi 1 USD trong vài tuần gần đây.
Chủ tịch LAU Michel Mawad cho biết trường buộc phải nâng tỉ giá để duy trì hoạt động và trả lương cho đội ngũ lao động. Ông Mawad cũng nhấn mạnh học phí của LAU đã được giữ nguyên trong nhiều năm nay.
"Là một nơi giảng dạy, chúng tôi đang chịu đựng hoàn cảnh này cũng nhiều như các sinh viên và phụ huynh. Đây thật sự là điều chúng tôi buộc phải làm", ông Mawad nói.
Không chỉ sinh viên trong nước, hàng ngàn du học sinh Libăng cũng đang mắc kẹt trong tình trạng tương tự, khi các ngân hàng địa phương đang chặn hầu hết các giao dịch ra nước ngoài.
"Những người không có đô la không thể đi lại hay học hành ở Libăng. Họ đang cố gửi đi thông điệp gì vậy?", Jad Hani, một sinh viên năm cuối ngành kinh tế học tại AUB, cảm thán.
TTO - Cuộc điều tra của trang Axios cho biết một nữ sinh viên bị cáo buộc là gián điệp Trung Quốc đã hỗ trợ các thành viên Đảng Dân chủ và ngủ với ít nhất 2 thị trưởng để tạo dựng ảnh hưởng. Cô đã đột ngột rời khỏi Mỹ năm 2015.
Xem thêm: mth.65150922212101202-ihp-coh-ion-art-gnohk-gnabil-neiv-hnis-hnahp-gnohk-aig-tam-neit/nv.ertiout