Năm 2020 được đánh giá là một năm khá sôi động với sự tham gia của một loạt những cái tên lớn trong lĩnh vực sản xuất thiết bị công nghệ, điện tử vào thị trường Việt Nam. Mới đây nhất, Foxconn - một trong những hãng chế tạo linh kiện điện tử và máy tính lớn nhất thế giới, xây dựng dây chuyền sản xuất iPad và MacBook tại Bắc Giang cho thấy các tập đoàn công nghệ lớn đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam.
Vậy đâu là lý do khiến Việt Nam trở nên thu hút như vậy, và làm sao để để Việt Nam ngày càng tận dụng được vị thế để không chỉ là nơi gia công, lắp ráp như lâu nay? Về vấn đề này, PV Người Đưa Tin Pháp Luật đã có cuộc trao đổi với TS.Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài.
PV: Việt Nam đã đón nhận một loạt nhà đầu tư dây chuyền công nghệ của hàng loạt tên tuổi lớn trên toàn cầu như Canon, Microsoft, Nokia, Intel, LG, Samsung và mới đây nhất là Foxconn. Đây là những nhà sản suất cung ứng linh kiện, sản phẩm hàng đầu cho các ông lớn công nghệ toàn cầu như Apple, Sony, Microsoft… Theo ông, lý do gì khiến Việt Nam được lựa chọn làm điểm đến đầu tư như vậy?
TS.Nguyễn Văn Toàn: Thời điểm này, nếu nói ra những điểm ưu việt của Việt Nam thì đó lại là cả một quá trình dài hơi. Thế nhưng nói về khả năng thu hút các ông lớn công nghệ cao về đầu tư tại một số tỉnh thành của Việt Nam như Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Nội, Đồng Nai… thì có nhiều lý do.
Việt Nam là lựa chọn phù hợp nhất nếu xét về tổng hòa nhiều yếu tố, nhất là trong bối cảnh Việt Nam là một trong những quốc gia kiểm soát dịch Covid-19 thành công. Đại dịch Covid-19, Việt Nam nổi lên là một quốc gia chống dịch rất tốt. Điều này đã mang lại những hệ quả tốt đẹp như sức chịu đựng của nền kinh tế, sức chịu đựng của doanh nghiệp Việt.
Cũng phải nhìn thấy, khi có dịch Covid-19, nền kinh tế số được ưu tiên thúc đẩy và đã đem lại những hiệu quả ngoài mong đợi. Hơn nữa, Việt Nam là một điểm đến tốt khi có sự kết hợp đổi mới, liên tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuôn khổ pháp lý, đẩy mạnh và quyết tâm trong cải cách thể chế.
Sức hút đầu tư nước ngoài đến Việt Nam cũng nhờ vào việc Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, Uỷ viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Và chúng ta có lực lượng lao động trẻ nhanh nhạy với công nghệ và rất sáng tạo.
PV: Ông đánh giá như thế nào về tác động dịch chuyển đầu tư này?
TS.Nguyễn Văn Toàn: Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy sự hấp dẫn của Việt Nam trong thu hút làn sóng dịch chuyển đầu tư và có thể sẽ mở ra nhiều triển vọng hơn nữa. Đó có thể sẽ là các dự án, các nhà đầu tư nước ngoài ở những phân khúc công nghệ cao, công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia.
Nhưng nói gì thì nói, đây mới chỉ là một tín hiệu chứ chưa phải là một phong trào rầm rộ. Nói là tín hiệu tích cực bởi nó sẽ góp phần kích thích các dòng vốn tương tự như thế vào Việt Nam trong tương lai. Nếu chúng ta phải tận dụng một cách tốt nhất, làm chỉn chu, hiệu quả, có phản hồi tốt thì sẽ tạo nên tính lan toả. Khi đã có tính lan toả rồi, thì đó sẽ là một “liều thuốc” kích thích.
Còn nói đây chưa phải là trào lưu bởi vì những nhà đầu tư hiện có chưa phải là nhà đầu tư từ Mỹ, từ EU mà mới chỉ là nhà đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan… Nếu là nhà đầu tư trực tiếp từ Mỹ hay EU vào thị trường Việt Nam, những phân khúc công nghệ cao mạnh mẽ hơn vào thì chắc chắn sức ảnh hưởng của Việt Nam cũng sẽ khác. Vì vậy, chúng ta sẽ cần thêm nhiều chính sách để thu hút.
Với việc thu hút đầu tư không có gì tốt hơn việc chính những nhà đầu tư đi trước. Bởi những nhà đầu tư đã đầu tư vào Việt Nam nếu họ có phản hồi tốt, họ nói về mình tốt thì đó là một trong những kênh để chúng ta xúc tiến đầu tư một cách tốt nhất và mang lại hiệu quả nhất.
PV: Về việc thu hút đầu tư, có ý kiến cho rằng, chúng ta cần có sự chuyển hướng “lọc” các dự án FDI một cách toàn diện hơn, không chỉ quy mô lớn mà còn phải thân thiện với môi trường thay vì việc thu hút FDI tràn lan như thời gian qua. Về việc này, ông nghĩ sao?
TS.Nguyễn Văn Toàn: Đúng là chúng ta nên chuyển hướng thu hút các dự án FDI một cách chọn lọc, tư duy mới, không thu hút kiểu tràn lan bằng mọi giá. Chúng ta thực sự nên thu hút những nhóm nhà đầu tư công nghệ cao, công nghệ nguồn, có hiệu quả đến sự phát triển lâu dài cho nền kinh tế Việt Nam, phù hợp với xu hướng của cách mạng 4.0. Đặc biệt là phải đảm bảo được quyền lợi của người lao động cũng như đảm bảo đến môi trường, an ninh quốc phòng của nước nhà.
Và để thu hút các dự án FDI một cách toàn diện hơn, thì chính bản thân chúng ta phải có đủ nội lực như nội lực về chính sách, thực thi chính sách, năng lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn vốn, cơ sở hạ tầng cũng như nguồn nhân lực… Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại đã ký kết như EVFTA cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư từ EU, Mỹ còn nhiều dư địa.
PV: Vậy làm sao để Việt Nam ngày càng tận dụng được vị thế để không chỉ là nơi gia công, lắp ráp như lâu nay, thưa ông?
TS.Nguyễn Văn Toàn: Việt Nam đang tham gia ở những phân khúc giá trị rất thấp, làm ra những linh kiện, phụ kiện dễ làm. Chính chúng ta phải hướng mình đến phân khúc cao hơn, tinh vi hơn, khó làm hơn. Và muốn thực hiện được thì chúng ta phải có nguồn vốn. Ngoài năng lực quản lý, chúng ta phải có vốn để mua được những công nghệ, thuê những kỹ sư giỏi. Nguồn vốn có thể được Chính phủ hỗ trợ, hay các doanh nghiệp tự huy động những nguồn vốn đó.
Có thể nói, Việt nam hiện nay là một trong những nước ký thoả ước thương mại song phương với rất nhiều quốc gia, cũng như thoả ước đa phương với nhiều khối như EU, ASEAN. Cho nên, Việt Nam sẽ tự đặt mình trước một lựa chọn, là nơi sản xuất thực thụ chứ không thể chỉ là một công xưởng. Phải biết nên sản xuất cái gì, ngành nào phù hợp với sự phát triển trong tương lai. Chúng ta hướng về công nghệ cao, tức là hướng về giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
PV: Xin cảm ơn chia sẻ của ông!
Ngày 18/1, UBND tỉnh Bắc Giang vừa trao giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy Fukang Technology cho đại diện công ty Foxconn Singapore PTE Ltd tại KCN Quang Châu, với vốn đăng ký đầu tư 270 triệu USD. Đây là một trong những nhà máy sản xuất iPhone, iPad, MacBook cho "gã khổng lồ" công nghệ Apple tại VN với quy mô sản xuất khoảng 8 triệu sản phẩm/năm.
Bên cạnh đó, ngay trong những ngày đầu năm 2021, tỉnh Bắc Giang cũng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực điện, điện tử trên địa bàn.
Tháng 3/2020, TP.Hải Phòng đã cấp phép đầu tư cho 3 dự án đầu tư của tập đoàn Pegatron (Đài Loan) - 1 trong 5 nhà sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử hàng đầu thế giới, cũng là một nhà cung ứng linh kiện, sản phẩm điện tử hàng đầu cho các "ông lớn" về công nghệ trên thế giới như Microsoft, Apple, Sony... Tổng vốn đầu tư 3 dự án của tập đoàn Pegatron tại KCN Nam Đình Vũ, TP.Hải Phòng lên tới 1 tỷ USD.