Tờ South China Morning Post ngày 21-1 đưa tin nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã gửi lời chúc mừng tới tân Tổng thống Mỹ Joe Biden và tân Phó Tổng thống Kamala Harris nhân ngày nhậm chức 20-1.
Bên cạnh đó, nhiều nước bày tỏ lạc quan về mối quan hệ với Mỹ trong tương lai sau bốn năm đầy biến động dưới thời Tổng thống vừa mãn nhiệm Donald Trump.
Các lãnh đạo châu Âu hy vọng điều gì?
Tờ The Hill ngày 20-1 dẫn thông báo của Nhà Trắng cho biết lãnh đạo nước ngoài mà Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có cuộc gọi đầu tiên là Thủ tướng nước láng giềng Canada - ông Justin Trudeau.
Thủ tướng Canada Trudeau và ông Biden. Ảnh: Patrick Doyle/THE CANADA PRESS.
Ông Trudeau, người đối đầu với ông Trump về vấn đề thương mại, đã ca ngợi "Mỹ và Canada đang có một trong những mối quan hệ độc đáo nhất trên thế giới".
Đồng thời, Thủ tướng Canada bày tỏ mong muốn làm việc cùng với chính quyền mới của ông Biden trong vấn đề hành động chống biến đổi khí hậu, tăng trưởng kinh tế sạch, thúc đẩy hội nhập và đa dạng.
Người láng giềng Mexico cũng hoan nghênh quyết định dừng thi công bức tường dọc biên giới Mỹ và Mexico cũng như cải cách liên quan đến nhập cư của ông Biden.
Trong khi đó, Điện Kremlin thúc giục chính quyền mới của ông Biden tiến hành các cách tiếp cận "mang tính xây dựng hơn" trong các cuộc đàm phán về việc gia hạn hiệp ước START Mới - hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược mới giữa Washington và Moscow.
Thủ tướng Anh Boris Johnson, người có mối quan hệ khá thân thiết với ông Trump, cũng đã đăng một bài viết trên Twitter chúc mừng ông Biden “tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ” và bà Harris “trong buổi lễ lịch sử của bà ấy”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã bày tỏ: “Gửi những lời chúc tốt đẹp nhất trong ngày trọng đại nhất này tới người dân Mỹ”.
Thủ tướng Ý Giuseppe Conte nói “đây là một ngày tuyệt vời cho nền dân chủ, vươn xa khỏi biên giới nước Mỹ”.
Nhân ngày nhậm chức Tổng thống thứ 46 của Mỹ, đức Giáo hoàng Francis cũng gửi lời chúc mừng: “Dưới sự lãnh đạo của tân Tổng thống, người dân Mỹ tiếp tục phát huy sức mạnh từ các giá trị chính trị, đạo đức và tôn giáo cao cả đã truyền cảm hứng cho đất nước kể từ ngày lập quốc”.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gọi hôm 20-1 là "sự khởi đầu của một chương mới", trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel ca ngợi lễ tuyên thệ nhậm chức là "một lễ kỷ niệm thực sự của nền dân chủ Mỹ".
Tại Brussels, nhiều quan chức hàng đầu của EU hoan nghênh kỷ nguyên hợp tác mới với Washington sau bốn năm không “không hòa thuận” với chính quyền cựu Tổng thống Trump.
Các đồng minh Châu Á - Thái Bình Dương bày tỏ một mối quan hệ tốt đẹp hơn
Các đồng minh của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương mong đợi việc củng cố các liên minh dưới thời chính quyền ông Biden.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn và những nhà lãnh đạo khác đã nêu bật các giá trị chung của nền dân chủ.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đặc biệt ca ngợi thông điệp của ông Biden, nói rằng lễ nhậm chức của ông báo trước buổi bình minh của một “khởi đầu mới” cho nước Mỹ.
“Cùng với người dân Hàn Quốc, tôi luôn đồng hành cùng hành trình của các bạn hướng tới nước Mỹ thống nhất (America United)” - ông Moon nói.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết ông Biden là một người bạn tốt của New Zealand và đặc biệt nhấn mạnh: “Thông điệp đoàn kết của Tổng thống Biden trong lễ nhậm chức là một thông điệp gây tiếng vang đối với người dân New Zealand”.
Thủ tướng Australia Scott Morrison đã chúc mừng ông Biden và nói rằng: “Liên minh Australia - Mỹ chưa bao giờ quan trọng hơn thế”.
Trung Quốc: Mối quan hệ Mỹ - Trung cần nhiều nỗ lực
Ông Biden và ông Tập Cận Bình. Ảnh: Lintao Zhang/GETTY IMAGES.
Phát biểu trong một buổi họp báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Trung Quốc hy vọng “một sự hợp tác cùng có lợi cho cả hai bên”, đồng thời nói thêm rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục duy trì lợi ích của mình và không để Mỹ bôi nhọ.
“Những năm qua đặc biệt khó khăn. Tôi nghĩ rằng sau khi trải qua một số thời điểm rất khó khăn và đặc biệt, người dân Trung Quốc và Mỹ xứng đáng có một tương lai tốt hơn” – bà Hoa nói.