Theo New Atlas, nhóm nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đang trong quá trình nghiên cứu cách thức chế tạo ra gỗ ngay phòng thí nghiệm.
Đầu tiên, các chuyên gia chiết xuất các tế bào sống từ lá của cây cúc ngũ sắc (Zinnia). Các tế bào sống này được đặt vào một dung môi nuôi cấy dạng lỏng – cho phép chúng có thể tiếp tục sinh sôi nảy nở. Lô tế bào thu được từ quá trình trên sau đó được chuyển sang một gel ma trận 3D, nơi chúng tiếp tục quá trình phát triển.
Quy trình tạo ra gỗ từ trong phòng thí nghiệm
Việc bổ sung các hormone thực vật auxin và cytokinin đã kích hoạt các tế bào sống sản xuất lignin, là một polyme hữu cơ giúp gỗ có độ cứng chắc. Quá trình này cho phép các nhà khoa học phát triển một cấu trúc nhỏ và cứng giống như gỗ, dưới hình dạng của gel ma trận 3D.
Ngoài ra, bằng cách thay đổi mức độ của hai loại hormone, nhóm nghiên cứu có thể kiểm soát lượng lignin mà các tế bào tạo ra, từ đó cho phép điều chỉnh các đặc điểm cấu trúc của "gỗ nhân tạo".
Mặc dù các thí nghiệm được tiến hành cho đến nay vẫn ở quy mô khá nhỏ, các nhà khoa học hy vọng rằng một ngày nào đó công nghệ này có thể cho phép các sản phẩm bằng gỗ như bàn ghế có thể được "trồng" khi cần. Điều này đồng nghĩa với việc, chúng ta sẽ không phải thực hiện việc chặt phá rừng để thu hoạch gỗ.
Các nhà nghiên cứu hiện đang xem xét tính khả thi của việc mở rộng quy mô của quá trình tạo ra gỗ nhân tạo để ứng dụng trong thực tế. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều yếu tố cần được xem xét.
"Một câu hỏi đang chờ giải đáp là: Làm thế nào để chúng ta chuyển đổi quy trình tạo ra gỗ nhân tạo từ cây cúc ngũ sắc sang các loài thực vật khác?", tiến sĩ Luis Fernando Velásquez-García, người đang giám sát nghiên cứu cho biết.
"Vẫn còn quá sớm nếu nghĩ rằng chúng ta có thể áp dụng quy trình chế tạo tương tự đối với từng loại cây. Có thể chúng sẽ có cách chế tạo khác nhau."
Nghiên cứu vừa được đăng ngày 20/1 trên Tạp chí Journal of Cleaner Production.
Tham khảo New Atlas
Anh Việt
Pháp luật và xã hội