Ngày 22-1, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) đã tổ chức buổi hội thảo “Khởi nghiệp với mô hình nhượng quyền thương mại”. Chương trình nhằm giúp các doanh nghiệp (DN) Việt có được những kiến thức về nhượng quyền thương mại, cơ sở pháp lý đối với nhượng quyền thương mại ở Việt Nam.
Bà Trần Thị Hương, Phó Ban Đối ngoại Trung tâm Hòa giải thương mại quốc tế VICMC cho biết, hoạt động nhượng quyền thương mại ở Việt Nam hiện đang được điều chỉnh bởi luật Thương mại năm 2005 sửa đổi năm 2017, 2019 và Nghị định 08/2018.
Trước khi nhượng quyền, theo luật Thương mại, bên nhượng quyền phải đăng ký với Bộ Công Thương. Đây là bước khởi đầu quan trọng để một hoạt động nhượng quyền chính thức được triển khai hợp pháp tại thị trường Việt Nam.
Riêng đối với hợp đồng nhượng quyền, người tham gia kinh doanh nhượng quyền cần lưu ý đến ngôn ngữ của hợp đồng; các điều khoản đảm bảo chất lượng; dịch vụ; nguồn nguyên liệu thay thế; Điều khoản chuyển tiếp về quyền; gia hạn hợp đồng; quy định về hạn chế kinh doanh; các điều khoản bảo mật thông tin.
Quyền sở hữu trí tuệ bao gồm quyền sở hữu trí tuệ chưa được xác lập và quyền sở hữu trí tuệ thay đổi… Bên cạnh đó, DN cần hiểu được bản chất của hợp đồng nhượng quyền là hợp đồng cho thuê.
Công ty cà phê Napoli nhượng quyền hơn 3.000 cửa hàng trong và ngoài nước.
Theo bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Retail & Franchise Asia, báo cáo “2020 Franchise Reopening” mới đây cho biết, ở Hoa Kỳ nhượng quyền thương mại được coi là trụ cột của DN vừa và nhỏ.
Trong các cuộc suy thoái trước đây, mô hình kinh doanh này đã được chứng minh là có khả năng phục hồi và là một phương thức mở rộng hàng đầu nhằm thoát khỏi suy thoái kinh tế cần được khuyến khích.
Cụ thể, trước COVID-19, Hoa Kỳ có 733.000 cơ sở nhượng quyền thương mại với hơn 7,6 triệu người tham gia. Đại đa số các chủ sở hữu nhượng quyền thương mại này là DN nhỏ.
Nhượng quyền thương mại diễn ra hầu hết các lĩnh vực trong đó gần một nửa số nhượng quyền thương mại là trong ngành thực phẩm và đồ uống. Theo khảo sát của hiệp hội Nhượng quyền Thương mại quốc tế (IFA), 74% DN nhượng quyền tại Hoa Kỳ đã phải đóng cửa do COVID-19.
Tại Việt Nam trước COVID-19 đã có nhiều thương hiệu nhượng quyền lâu năm rất thành công như Trung Nguyen Coffee, T&T, Kinh Do Bakery, Highland’s Coffee, Wrap and Roll, Shop and Go…
Thời kỳ hậu COVID-19, hoạt động nhượng quyền có thể phát triển mạnh mẽ ở các mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ, mô hình linh hoạt hay những mô hình có mức đầu tư thấp và hoàn vốn nhanh…
“Để có một mô hình nhượng quyền bền vững, DN phải quan tâm đến năm yếu tố là thương hiệu và mô hình; nền tảng vận hành; nhân sự và đào tạo, hệ thống và chuỗi cung ứng; nền tảng công nghệ” - bà Vân chia sẻ.
Ông Nguyễn Tuấn, Phó giám đốc ITPC cho biết, nhượng quyền thương mại ngày càng phổ biến trên thế giới và Việt Nam. Hoạt động này giúp các DN trong nước được nhận chuyển giao từ những thương hiệu nổi tiếng, có uy tín, được tiếp cận với phương thức kinh doanh và quản lý tiên tiến của thế giới.
Theo IFA, Việt Nam được xác định là thị trường nhượng quyền hấp dẫn tại khu vực Đông Nam Á với nhiều lĩnh vực tiềm năng như thực phẩm và đồ uống, dịch vụ kinh doanh, khách sạn, thời trang, làm đẹp và chăm sóc da, cửa hàng tiện lợi. Việt Nam cũng được dự báo sẽ là điểm đến của nhiều thương hiệu quốc tế nổi tiếng trong thời gian tới.
Ngành nhượng quyền có đóng góp đáng kể vào GDP và có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với nền kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Hoa Kỳ, cái nôi của ngành nhượng quyền, con số này là 5,1%. Ở châu Á, nhượng quyền phát triển mạnh nhất tại Hàn Quốc với mức đóng góp vào GDP là 7,8%, Malaysia 6,3%, Philippines 5%, Singapore 3%. Đối với Malaysia, ngành nhượng quyền được chính phủ nước này lựa chọn như một chiến lược dài hạn để phát triển DN nhỏ và vừa, bằng cách xuất khẩu mô hình và thương hiệu thay vì xuất khẩu hàng hóa và sản phẩm. |