Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ra lệnh xoá một báo cáo đăng trên trang web Nhà Trắng của chính quyền cựu Tổng thống Trump. Báo cáo được cho là nhằm thúc đẩy “giáo dục ái quốc” trong các trường học, nhưng bị các sử gia nước này chế giễu và phản đối vì cho rằng nó nhằm mục đích tuyên truyền chính trị.
Tổng thống Joe Biden trong những ngày đầu chuyển giao quyền lực. Ảnh: REUTERS
“Hội đồng 1776” được lập ra hồi tháng 9-2020 để thu hút thêm sự ủng hộ của cử tri da trắng cho cựu Tổng thống Donald Trump. Trong bản báo cáo mà Hội đồng này công bố, họ tôn vinh những người sáng lập đất nước, giảm nhẹ vai trò của Mỹ trong vấn đề chế độ nô lệ, lên án sự trỗi dậy của chính trị cấp tiến và lập luận rằng nhiều phong trào dân quyền đã vi phạm “lý tưởng cao cả” mà những Nhà Lập Quốc gửi gắm.
Bản báo cáo bị chỉ trích gay gắt nhất ở hai điểm: cố gắng phá bỏ những cáo buộc đạo đức giả nhắm vào những Nhà Lập Quốc - những người luôn kêu gọi sự bình đẳng nhưng vẫn duy trì chế độ nô lệ; và giảm nhẹ vai trò của Mỹ trong vấn đề chế độ nô lệ, cho rằng đó chỉ là sản phẩm của thời đại.
Trong tài liệu thông báo mệnh lệnh hành pháp của Tổng thống Biden có viết rằng, "Hội đồng 1776" đã cố xoá bỏ lịch sử về sự bất bình đẳng chủng tộc. Hiệp hội Lịch sử Mỹ cũng chỉ trích báo cáo này chỉ tôn vinh những Nhà Lập Quốc nhưng không đề cập gì đến sự đóng góp của những người bị bắt làm nô lệ, những cộng đồng bản địa và phụ nữ.
"Nhiều người dân Mỹ luôn bị ảo tưởng rằng chế độ nô lệ là di sản tệ hại nhất chỉ có ở Mỹ. Thực tế không may là, trong suốt lịch sử nhân loại, chế độ nô lệ là một quy luật chứ không phải một ngoại lệ", trích bản báo cáo dài 20 trang của "Hội đồng 1776". Báo cáo cũng cho rằng nhiều phong trào dân quyền đã bị xuyên tạc để thúc đẩy "đặc quyền nhóm", cụ thể nó chỉ trích tất cả các hình thức "đối xử ưu tiên".
Ông Ibram X. Kendi, một học giả và là nhà sử học về phân biệt chủng tộc tại Đại học Boston, gọi báo cáo là "lời nói dối vĩ đại cuối cùng của chính quyền Trump". "Nếu chúng tôi thường được đối xử ưu tiên, vậy tại sao người da đen vẫn ở vị thế thấp hơn và là người chết trong hầu hết mọi sự việc liên quan đến bất bình đẳng chủng tộc? Bất cứ khi nào trả lời câu hỏi này, họ đều có ý nói về địa vị thấp kém của người da đen trong khi miệng thì khẳng định mình không phân biệt chủng tộc", ông viết trên Twitter.
Không chỉ vậy, báo cáo này còn đề nghị thay đổi việc giảng dạy tại các trường học ở Mỹ vì cho rằng đây là những điểm nóng của "chủ nghĩa bài Mỹ". Báo cáo lên án bất kỳ cách dạy học nào khiến học sinh xem thường lý tưởng Mỹ, đổ lỗi rằng chính những môi trường "học thuật phá hoại" đó đã gây chia rẽ cũng như bạo lực trên khắp nước Mỹ.
Nhóm soạn thảo bản báo cáo, vốn không có ai là nhà sử học kỳ cựu của Mỹ, phàn nàn rằng “hệ tư tưởng sai lầm và lỗi thời” đã tạo nên một nước Mỹ “nhiều áp bức và nạn nhân”. Thay vì vậy, nhóm này kêu gọi sự đổi mới tư tưởng nhằm nuôi dưỡng lòng yêu nước sâu sắc hơn. Các quan chức trong bộ máy của ông Trump coi bản báo cáo này là “một biên niên sử về quá trình lập quốc của Mỹ”, nhưng nhiều học giả nói rằng nó còn không có các nguyên tắc học thuật cơ bản nhất. Bản báo cáo không có trích dẫn nào, cũng chẳng nói trích nguồn từ đâu cả.
Ông Matthew Spalding, giám đốc điều hành của "Hội đồng 1776", đồng thời cũng là phó Chủ tịch trường Cao đẳng Hillsdale, lập luận rằng bản báo cáo nhằm thúc đẩy “lý tưởng thống nhất trong Tuyên ngôn độc lập”, và nó viết ra không phải cho các nhà sử học hàn lâm mà là cho người dân Mỹ đọc.
Các nhà sử học thì cho rằng bản báo cáo này là một phiên bản đầy sai sót về lịch sử Mỹ và đi ngược lại những công trình nghiên cứu hàng thập niên. “Đây là một sự xúc phạm với toàn bộ nền giáo dục. Mục đích của giáo dục là nhằm giúp người trẻ học cách suy nghĩ phản biện, tuy nhiên bản báo cáo này không khác gì một tờ tuyên truyền một chiều của cánh hữu” - ông David Blight, nhà sử học chuyên nghiên cứu về Nội chiến Mỹ tại Đại học Yale, phản pháo.