Nằm gần TPHCM, các xã vùng “thượng” huyện Cần Đước (tỉnh Long An) có nghề trồng “hàng bông” (rau các loại) từ lâu đời, chủ yếu cung cấp cho thị trường hơn 10 triệu dân này. Như mọi năm, tháng giáp Tết năm nay, vùng trồng rau này lại sôi động, đặc biệt là với rau sạch.
Thực hiện đề án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những năm qua, tỉnh Long An đã xây dựng 41 mô hình trồng rau sạch với tổng cộng gần 800ha. Trong đó, riêng huyện Cần Đước đã có 8 mô hình với hàng trăm ha trồng rau sạch, phần lớn cung cấp cho thị trường TPHCM.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Long An, nông dân sản xuất trong các mô hình ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả, lợi nhuận cao hơn trồng rau truyền thống 2 - 7 triệu đồng/1.000m2/vụ. Trong đó, việc sử dụng phân hữu cơ sinh học, trồng rau trong nhà lưới, nhà màng giúp cây rau phát triển tốt hơn, sâu bệnh ít hơn, giảm được số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm công lao động…
Xã Long Khê, huyện Cần Đước là một trong những địa phương đầu tiên ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau. Ngoài sự hướng dẫn của ngành chuyên môn, nông dân tự tìm tòi, học hỏi, áp dụng khoa học - kỹ thuật, quy trình an toàn vào sản xuất, đồng thời tự chế nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới nước tiết kiệm nhằm bảo đảm chất lượng, vừa phù hợp với túi tiền người dân nơi đây
Tháng 8.2017, Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Mười Hai (xã Long Khê) được thành lập. Để HTX phát triển, huyện hỗ trợ 900 triệu đồng để xây dựng nhà sơ chế, nhà xưởng, giếng và dàn lọc nước. Ngoài hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, ngành nông nghiệp huyện còn tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng rau an toàn cho thành viên HTX. Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, HTX Rau an toàn Mười Hai đã vận động thành viên ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất: Xây dựng hệ thống nhà lưới, béc tưới tự động điều khiển từ xa hoặc phần mềm liên kết với điện thoại; sử dụng phân bón vi sinh, giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...
Là 1 trong 30 thành viên của HTX Rau an toàn Mười Hai, bà Trần Thị Thu Vân (ấp 4) đã mạnh dạn đầu tư và chuyển đổi sang trồng rau sạch trên 1.500m2 đất sản xuất của mình. Từ khi vào HTX, sản xuất theo quy trình sạch, sản xuất rau ở gia đình bà Vân luôn ổn định, tăng thu nhập. Những ngày này, gia đình bà Vân luôn tất bật với ruộng trồng rau phục vụ Tết. Dù vất vả, nhưng bà Vân tin tưởng năm nay gia đình sẽ có cái Tết tươm tất nhờ rau sạch hút hàng, được giá.
Cũng tại xã Phước Vân, HTX Rau an toàn Phước Hòa đã và đang khẳng định thương hiệu của mình trên thị trường. HTX có 42 thành viên, tổng diện tích gần 20ha chuyên trồng luân canh các loại rau ngắn ngày như các loại cải, muống, hành... mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng 2,5 tấn rau các loại. Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hòa - ông Kiều Anh Dũng - cho biết: Những ngày giáp Tết này, tất cả thành viên HTX đang tất bật chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh, chủ yếu là TPHCM.
HTX Phước Hòa thường xuyên sinh hoạt định kỳ, trao đổi và thống nhất cách thức trồng trọt và lựa chọn loại rau màu để trồng, tránh trường hợp nhiều người trồng cùng một loại rau dẫn đến ứ đọng khó tiêu thụ. Thời điểm này, các thành viên tập trung xuống giống các loại rau màu với mong muốn có một vụ mùa bội thu, có thêm thu nhập khi Tết đến, xuân về.
Không chỉ xã Long Khê, mà các vùng trồng rau khác trong huyện Cần Đước, nông dân cũng tất bật chăm sóc rau để phục vụ thị trường Tết. Với điều kiện thời tiết thuận lợi như hiện nay, người trồng rau tự tin sẽ có vụ mùa bội thu và đón một cái Tết tươm tất.
Xem thêm: odl.542378-tet-uv-tab-tat-hnim-ihc-oh-ohp-hnaht-man-aihp-hcas-uar-gnort-gnuv/et-hnik/nv.gnodoal