Nghị quyết 19 qua các năm đã tạo thành công cho mục tiêu cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung - Tổ trưởng tổ tư vấn về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, sau 4 năm thực hiện cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, Đảng và Chính phủ đã đặt ra những mục tiêu và lộ trình rất cụ thể.
Từ đó đến nay, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách các thủ tục hành chính... liên tục được thực hiện qua các năm và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, từ năm 2017, các bộ, ngành tiếp tục cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh; kiên quyết đổi mới công tác quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu theo thông lệ quốc tế...
Nghị quyết 19/2018 đã đặt mục tiêu giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành; chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm; xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan; giảm tỉ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 25 - 27% hiện nay xuống còn dưới 10%.
Từ đó cho đến nay, cả nước đã đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Mở rộng thêm, nâng cao năng lực cạnh tranh ngành du lịch và ngành dịch vụ logistics theo bảng xếp hạng của Ngân hàng thế giới…
Cải cách mạnh mẽ trong giai đoạn 2021-2026 và đến 2030
Cũng theo TS Nguyễn Đình Cung, định hướng cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh giai đoạn 2021-2026 và cả thời kỳ chiến lược 2021-2030, phải lấy cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực sản xuất, nhất là đất đai.
“Hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới. Song song với đó, cần phát triển nhanh, hài hoà các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế”-TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Để thực hiện được các vấn đề trên, cần chú trọng hoàn thiện thị trường nhân tố sản xuất và phân bổ nguồn lực xã hội để đẩy mạnh phát triển. Một mặt, cần hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật. Trong đó, xây dựng và thực hiện các giải pháp chính sách khắc phục tác động của dịch bệnh COVID-19, nhanh chóng phục hồi nền kinh tế, tận dụng hiệu quả các cơ hội mới cho phát triển đất nước.
Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, pháp luật thống nhất, đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận với chi phí tuân thủ thấp, có sức cạnh tranh quốc tế.
Nhà nước phải trao quyền tự do và an toàn kinh doanh, tạo thuận lợi, dễ dàng cho hoạt động đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp, đồng thời đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; xây dựng nền hành chính quốc gia hiện đại, xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số…