Korean Air dự kiến huy động được 3.300 tỷ won (3 tỷ USD), cao hơn so với con số 2.500 tỷ won theo kế hoạch ban đầu, để tài trợ cho việc thâu tóm Asiana Airlines, nhờ giá cổ phiếu tăng mạnh.
Korean Air dự định phát hành 173,6 triệu cổ phiếu với mức giá 19.100 won/cổ phiếu, cao hơn so với mức dự kiến trước đó là 14.400 won/cổ phiếu. Mức giá cuối cùng sẽ được đưa ra vào ngày 26/2.
Giá cổ phiếu của Korean Air tăng 22% kể từ đầu năm nay đến ngày 21/1, lên 33.050 won/cổ phiếu, tăng mạnh hơn nhiều so với mức tăng 10% của chỉ số KOSPI của thị trường chứng khoán Seoul (Hàn Quốc).
Trong số tiền huy động được từ việc phát hành cổ phiếu, Korean Air sẽ chi 1.500 tỷ won để mua Asiana và sử dụng 1.800 tỷ won còn lại để thanh toán nợ.
Korean Air đã tiến hành điều tra về Asiana Airlines kể từ tháng 12 để đánh giá cơ cấu chi phí, hợp đồng và các chi tiết khác về Asiana khi có kế hoạch hợp nhất sau sáp nhập vào ngày 17/3.
Để tiến hành thỏa thuận, Korean Air đã nộp các văn bản vào ngày 14/1 cho các cơ quan chống độc quyền ở các nước và khu vực mà hãng có tuyến bay là Mỹ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản để xem xét vụ sáp nhập.
Korean Air và Asiana Airlines chiếm tổng cộng 40% số chỗ máy bay chở khách và chở hàng tại Sân bay Quốc tế Incheon, cửa ngõ chính của Hàn Quốc, điều sẽ không hình thành sự độc quyền.
Hai hãng đã dừng hầu hết các chuyến bay quốc tế kể từ tháng 3/2020 khi các nước tăng cường các biện pháp kiểm soát nhập cảnh nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.
Trong giai đoạn tháng 1 - 9/2020, lỗ ròng của Korean Air giảm xuống 651,84 tỷ won so với 707,14 tỷ won của cùng kỳ năm trước, khi hãng tập trung giành các hợp đồng chuyên chở hàng hóa nhiều hơn để bù lại nhu cầu đi lại giảm.
Korean Air và Asiana Airlines dự kiến công bố lợi nhuận quý IV/2020 vào tháng tới.