Chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, các doanh nghiệp sẽ chú trọng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", đồng thời quan tâm người có thu nhập thấp.
Quan tâm nhóm người tiêu dùng có thu nhập thấp
Theo bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội, ngoài các mặt hàng chất lượng cao, hàng nhập khẩu cao cấp, các doanh nghiệp Hà Nội rất quan tâm, chú trọng nhóm người tiêu dùng bình dân, người lao động có thu nhập thấp.
“Thành phố sẽ đưa một lượng lớn hàng hoá phục vụ cho nhu cầu mua sắm của người lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn cũng như nhân dân tại khu vực ngoại thành, bảo đảm không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, tăng giá đột biến, gây bất ổn thị trường” – bà Trần Thị Phương Lan cho biết.
Theo đó, Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) đã dự trữ gần 1.000 tỉ đồng hàng hóa, trong đó dành khoảng 200 tỉ đồng tập trung vào 12 nhóm hàng hóa tham gia chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn Hà Nội. Tập đoàn Central Retail cũng tăng 30% số lượng hàng hóa dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán 2021, trong đó lượng hàng hóa trong nước chiếm tới 90% tỉ trọng hàng hóa.
Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Bánh kẹo Bảo Minh Ngô Thị Tính, doanh nghiệp đã chuẩn bị lượng hàng hóa khoảng hơn 10 tỉ đồng để phục vụ Tết, trong đó có tới 150 tấn mứt, bánh kẹo các loại.
Công ty TNHH Vincommerce đã sẵn sàng lượng hàng hóa trong ko dự trữ để bán ra thị trường. Ngoài các mặt hàng tại các kho hàng của doanh nghiệp.
Cung ứng cho thị trường Tết Tân Sửu năm 2021, Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản VISSAN đã chuẩn bị 900 tỉ đồng để đưa ra thị trường trên 7.500 tấn hàng hóa, bao gồm: Thịt lợn tươi sống; thịt bò: 2,300 tấn, tăng 5% so với cùng kỳ; thực phẩm chế biến: 5,200 tấn tăng 10% so với cùng kỳ…
Theo bà Trần Ánh Tuyết - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định, lượng hàng hóa dự trữ phục vụ Tết có trị giá khoảng 2.100 tỉ đồng, tăng 20% (khoảng 420 tỉ đồng) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tập trung vào nhóm hàng thiết yếu, có mức tiêu thụ cao như: Gạo: 16.500 tấn; thịt gia cầm: 690 tấn; thịt gia súc: 3.000 tấn; rau, củ, quả: Trên 15.100 tấn...
Kiểm soát chặt chất lượng hàng hóa phục vụ Tết
Theo Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), để siểm soát chặt chất lượng hàng hóa, từ nay đến hết ngày 25.2.2021, Tổng cục QLTT tiếp tục tập trung lực lượng kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp Tết như: Hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giầy dép, lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, đường, hoa quả, rượu bia, thuốc lá... không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Trần Việt Hùng cho biết: Để tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng QLTT Thủ đô đã triển khai kế hoạch quản lý chặt chẽ hàng hóa không chỉ đối với các mặt hàng đã “lên kệ”, mà còn đẩy mạnh quản lý ngay từ khâu sản xuất.
Từ nay đến sau Tết, lực lượng QLTT sẽ đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm để người dân mua sắm hàng hóa đảm bảo chất lượng, an toàn.
Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP.Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 22/KH-BCĐ389 về cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021...
Xem thêm: odl.575378-paht-pahn-uht-oc-gnod-oal-iougn-mohn-mat-nauq-tet-uv-cuhp-aoh-gnah/et-hnik/nv.gnodoal