Nhiều ngân hàng tại Việt Nam đã có kế hoạch thưởng Tết 2021 cho nhân viên. Theo nguồn tin thân cận của chúng tôi, hầu hết các ngân hàng đã chi tháng lương thứ 13 cho cán bộ nhân viên, một số thì đã có kế hoạch thưởng Tết âm lịch cùng thưởng doanh số, phổ biến 2-3 tháng lương, thậm chí có ngân hàng còn được cho là thưởng hơn 6 tháng. Đó là chưa kể, sau thời gian cắt giảm lương để tiết giảm chi phí hồi tháng 4, đến các tháng cuối năm 2020, các nhà băng đã khôi phục và tăng lương cho người lao động khi tình hình thị trường cũng như kết quả kinh doanh khả thi hơn dự kiến.
Trong nước thì như vậy, còn các ngân hàng lớn trên thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, thì sao?
Mới đây, HSBC thông báo kế hoạch cắt giảm 22,5% quỹ tiền thưởng cuối năm của nhân viên sau một năm 2020 có tình hình hoạt động kinh doanh không mấy khả quan do cộng hưởng của suy thoái kinh tế vì đại dịch và lãi suất thấp.
Tuy vậy, mức giảm 22,5% này chủ yếu là cắt giảm khoản thưởng dành cho các cá nhân xuất sắc nổi trội theo chương trình phân loại nhân viên toàn cầu của ngân hàng này. Các nhân viên được phân cấp, và được đánh giá năng suất lao động dựa trên mức chỉ tiêu hoàn thành và các chỉ tiêu định tính khác, trong đó phải kể tới thái độ và hành vi trong quá trình làm việc. Những nhân viên có mức đánh giá cao nhất theo từng cấp sẽ được nhận khoản thưởng tương đương 2 đến 3 tháng lương vào tháng 2 hàng năm. Nhưng khoản tiền này sẽ bị cắt giảm trong năm 2020 do lợi nhuận sụt giảm mạnh: lợi nhuận lũy kế ba quý đầu năm 2020 giảm 62% so với cùng kỳ 2019. Lỗ từ hoạt động tín dụng gấp gần 4 lần so với mức trích lập dự phòng năm 2020. HSBC đã có sự hồi phục mạnh mẽ vào quý IV nhờ thị trường châu Á – nơi đã tăng trưởng trở lại sau khi đẩy lùi thành công Covid-19, tuy nhiên vẫn gặp khó khăn tại thị trường châu Âu khi mà "mùa đông đen tối" vẫn bao phủ châu lục này.
HSBC – một trong những ngân hàng lớn thông báo cắt giảm thưởng 2020 (Ảnh: Bloomberg)
Theo tờ Financial Times đưa tin, Lloyds Banking Group – một trong những ngân hàng lâu đời nhất nước Anh, cũng đã phải cắt giảm các khoản thưởng cho nhân viên năm 2020 do ảnh hưởng từ đại dịch với nhiều tháng trời lockdown ròng rã. Đại diện ngân hàng, Giám đốc phụ trách quản lý tài sản và nhân sự của Lloyds, ông Matt Sinott thừa nhận Lloyds đã không đạt được ngưỡng lợi nhuận tối thiểu để thiết lập quỹ thưởng cho năm 2020. Quỹ này có tổng giá trị là 310 triệu bảng Anh năm 2019 và 465 triệu bảng Anh năm 2018. Lloyds đang cân nhắc thưởng cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ nhân viên vào năm 2021 để bù đắp cho khoản thưởng bị cắt giảm này.
Tuy là ngân hàng bán lẻ lớn nhất nước Anh nhưng Lloyds đã có một năm 2020 không mấy suôn sẻ, đặc biệt là nửa đầu năm do khoản trích lập dự phòng khổng lồ. Đồng thời vào tháng 10, ngân hàng này phải đối mặt với khoản yêu cầu bồi thường từ các hợp đồng bảo hiểm thanh toán trị giá 1,8 tỷ bảng Anh, ước tính giảm tới 97% lợi nhuận quý III, do nhiều khách hàng không thể trả nợ vay đúng hạn.
Một chi nhánh của Lloyds tại Anh (Ảnh: nsbanking.com)
Một lãnh đạo cấp cao của Lloyds trả lời tờ Financial Times rằng động thái cắt giảm thưởng của nhân viên này là một hành động đúng đắn trong bối cảnh hàng nghìn người rơi vào cảnh thất nghiệp: "Thưởng cho một số người, trong khi những người khác thì mất việc, thật sự rất bất hợp lý". Ngân hàng này cũng đã cắt giảm hơn 2.000 nhân sự để giảm chi phí chung. Vị lãnh đạo này cũng khẳng định rằng việc giảm thưởng không có nghĩa nhân viên của Lloyds đang làm việc kém chăm chỉ hay không hiệu quả, đây chỉ là một bước lùi tạm thời và trong tương lai, họ sẽ được điều chỉnh lương theo mức lạm phát của nền kinh tế, đặc biệt là những nhân viên đang thuộc dải lương thấp.
Tại khu vực Bắc Mỹ, thị trường tài chính cũng không khá khẩm hơn là mấy. Các ngân hàng ở đây đều phải vật lộn giải quyết các chi phí gia tăng do buộc phải bổ sung dự phòng cho các khoản nợ xấu. Thị trường chứng khoán có dấu hiệu phục hồi nhưng cũng khó cứu vãn khoản thưởng cuối năm cho nhân viên ngân hàng nước này. Nhiều nhân viên làm việc tại phố Wall không ngạc nhiên, và cảm thấy may mắn vì vẫn giữ được công việc giữa khủng hoảng.
Tuy báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng trên thế giới chưa lộ diện, nhưng có thể thấy bức tranh lợi nhuận sẽ nhuốm màu ảm đạm nhiều hơn tươi sáng. Với kinh nghiệm từ năm 2020, cùng với các bộ đệm rủi ro được tăng cường và tiến độ tiêm vaccine cho cộng đồng được đẩy nhanh, hy vọng năm 2021 sẽ mở ra một trang mới cho kinh tế thế giới nói chung và ngành ngân hàng nói riêng.
Nguồn: The Financial Times, The Guardian, Bloomberg, Reuters.