Các quan chức trong Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Bộ Tư pháp nước này đang thảo luận về việc không truy tố một số người biểu tình trong vụ bạo loạn ở Tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 6-1, báo The Washington Post đưa tin.
Theo đó, Bộ Tư pháp Mỹ và FBI đang xem xét không truy tố những người biểu tình chỉ tham gia vào đám đông, xông vào Điện Capitol nhưng không có hành vi phá hoại hay bạo lực nào.
Tuy nhiên, một số quan chức phản đối đề xuất này, cho rằng truy tố là một cách truyền đi thông điệp các hành vi tương tự trong tương lai sẽ không được dung thứ. Những người này còn cho rằng nếu không mạnh tay truy tố những kẻ bạo loạn, uy tín của Bộ Tư pháp Mỹ và FBI trong lòng người dân Mỹ sẽ bị ảnh hưởng.
Những người ủng hộ ông Donald Trump đụng độ với cảnh sát khi cố xông vào Điện Capitol hôm 6-1. Ảnh: REUTERS
Cuộc thảo luận nội bộ này chỉ mới ở giai đoạn đầu và chưa có lập trường chung chính thức về vấn đề này. Thông tin về cuộc thảo luận vẫn chưa được công bố công khai.
Người phát ngôn Bộ Tư pháp Mỹ Marc Raimondi không nhắc tới cuộc thảo luận như The Washington Post đưa tin, song khẳng định cơ quan này sẽ kiên quyết xử lý những hành động phạm pháp ở Điện Capitol hôm 6-1, sẽ tôn trọng sự thật, dựa vào các bằng chứng và truy tố các cá nhân một cách phù hợp.
Ngày 6-1, lưỡng viện Mỹ họp tại Điện Capitol để kiểm phiếu đại cử tri bầu tổng thống, qua đó xác nhận chiến thắng cho đại diện của đảng Dân chủ, ông Joe Biden.
Những người ủng hộ ông Donald Trump - người lúc đó là Tổng thống Mỹ nhưng đã thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020 - đã biểu tình quanh Tòa nhà Quốc hội Mỹ. Nhiều người quá khích đã xông vào Điện Capitol, có các hành vi bạo lực và phá hoại, khiến cuộc họp của lưỡng viện Mỹ bị gián đoạn.
Vụ bạo loạn đã khiến năm người thiệt mạng, bao gồm một sĩ quan cảnh sát. Hàng chục người khác bị thương.
Theo nguồn tin của The Washington Post, khoảng 800 người liên quan tới vụ bạo loạn ở Điện Capitol. Tính đến ngày 23-1, hơn 135 người đã bị truy tố vì các hành vi bạo lực bên trong và xung quanh Tòa nhà Quốc hội Mỹ.