Cái góc bếp cũ, chiếc ấm móp méo hay cả người già đều tự kể câu chuyện của chính mình - Ảnh: MINH PHÚC
Nhưng đứa con trai lại phụng phịu: cái cũ này mình còn xài được sao mẹ phải thay, con thấy nó còn tốt mà!
Còn tốt lắm - là cách cậu con trai luôn giữ lại những món đồ của mình: như đôi giày này tuy rách một chút nhưng con mang quen chân, đá banh vẫn tốt; cái cặp kia dù bạc màu nhưng tập vở xếp vào đó nhanh và gọn; cái áo nọ sờn mỏng nhưng mặc vẫn thoải mái dễ chịu hơn áo mới...
1 Đứa trẻ nào cũng luôn khư khư giữ một món đồ gì đó quen thuộc với nó, từ chiếc "gối ghiền" với bao nhiêu lần ọc sữa, giặt giũ phơi phóng teo hết ruột, vải bên ngoài cũng cũ và rách nhưng vẫn có vị trí trang trọng trên chiếc giường của con khi đã lớn; con gấu bông xấu xí đã vài chỗ vá víu; chiếc nón đội đầu đã vảnh còn mềm oặt...
Chúng nhìn cũ đến nỗi người mẹ nhiều lần đùa rằng chắc phải đi "ép plastic" thì may ra mới có thể giữ lâu hơn. Nhưng làm như là chỉ lúc vùi mình vào những thứ cũ kỹ mà mình gìn giữ, con mới thấy yên tâm.
Cảm giác về món đồ trong nhà, dù không hẳn là còn tốt, lại chính bởi cảm giác quen mắt và thân thuộc.
Những vật nho nhỏ, nhiều khi chẳng mang ý nghĩa gì nhiều nhưng lại là cái gì đó không thể thiếu, không thể không nhớ và nhiều khi thân quen, chính điều này làm những người sống trong nhà thương cái nhà mình nhiều hơn.
Đó có thể là bức tường đầy những nét vẽ nguệch ngoạc hồi con của bạn mới biết đi, nhưng nhìn vào đó, bạn bỗng nhớ những giờ bạn cảm thấy vui, không phải bởi con trở thành họa sĩ bất đắc dĩ mà là bạn nhớ lại cả một giai đoạn phát triển hồi nhỏ của con mình.
Đó có thể là từng vạch đo độ cao của một đứa bé trên cái cột nhà. Đó có thể là chiếc bàn học nhỏ, cái tủ quần áo, chỗ để móc chìa khóa...
2 Tự bản thân mỗi món đồ cũ kỹ, từ chiếc tủ, cái ghế, cái bàn... hàm chứa nhiều ý nghĩa. Thời gian hằn lên chúng vết kỷ niệm của nhà, hay đúng hơn là từng thành viên trong nhà. Dù không phải là vật gia bảo nhưng tự chúng gần như làm nên hồn cốt cho ngôi nhà, như một kho báu ngủ yên và chỉ đợi ai đó khơi lên thì sống dậy.
Và sống dậy để nhắc nhở về điều gì đó rất thiêng liêng. Kiểu như một bữa con trai ngạc nhiên và đầy cảm động khi biết quyển sách cũ mà bố đưa mình đọc chính là quyển sách mà lần đầu tiên ông nội đã đưa cho bố đọc.
Quyển sách cũ đó, ngoài câu chuyện mà nó mang trên mình, còn có một ý nghĩa lớn với riêng chú bé. Mùi tàng tích của quyển sách là mùi sống động để liên kết chú, nối chú với người ông đã mất mà mình chưa bao giờ biết mặt.
Những đồ vật cũ kỹ đều như có tiếng nói riêng. Ở đó, nó đượm vào đủ thứ ký ức, như nhìn cái cà ràng ông táo cũ thì nhớ má. Nhìn cái ấm nấu nước đen đủi móp mó sẽ nhớ ba. Nhìn cái bình trà gốm có hình mấy ông tiên lại nhớ ngoại. Hay nhìn chiếc xe đạp sườn ngang treo bên vách nhà bỗng nhớ thời mấy anh em chở nhau đi học.
Những đồ vật làm nên cái tổ ấm cúng, trong chúng đượm mùi gian bếp cũ, mùi cơm sôi, mùi thức ăn mẹ nấu, đượm những thương mến riêng tư, giúp từng người trong nhà gìn giữ và yêu quý hành trình đã cùng nhau ở lại, lớn lên.
Nhà, cái nơi cũ kỹ và mãi đứng yên không thay da đổi thịt gì mấy như nhịp sống ngoài kia nhưng là nơi ai nấy yên lòng khi bước vào. Chính những trải nghiệm bên ngoài với đủ loại cảm xúc thăng trầm khiến ta thấy góc hẹp nhà mình, cùng những món đồ thân quen, lại là nơi tươm tất và bình yên nhất.
Cũ kỹ nhưng như một hạt mầm sẽ sẵn sàng lên một mầm cây mới nếu được gieo trồng. Thương nhà chính là thương cái cảm xúc thuần khiết mà ta học được ở những đứa trẻ - học sự gắn bó và gìn giữ những thứ nhỏ nhoi mà chính chúng đã làm đầy, đã đi sâu vào trong nhiều tầng ký ức.
Những dấu tích từ đồ vật cũ kỹ để ta hiểu rằng nhà mình không phải là nhà của sự hoàn hảo. Bởi đôi khi ở đó cũng có những thứ sứt ốc long đinh do những nguyên nhân vụn vặt, những hờn giận chung đụng, những loảng xoảng tổn thương. Nhưng vì không hoàn hảo, nó mới thật là nhà mình, là điều đặc biệt riêng tư của chính mình, nó thấm thía và khó chia sẻ.
TTO - Chưa đầy năm, 'người mẹ' trẻ đã an ủi 140 'đứa con' - những thai nhi mà nếu không có tình thương của chị chắc là cô quạnh lắm.
Xem thêm: mth.6700429042101202-neuq-naht-gnuhn-ut-ahn-gnouht/nv.ertiout