Một người biểu tình bị bắt giữ ở Matxcơva, Nga, ngày 24-1 - Ảnh: REUTERS
Trong tuyên bố ngày 24-1, Người phát ngôn Dmitry Peskov của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Đại sứ quán Mỹ tại Nga can thiệp vào vấn đề nội bộ của nước này khi phát cảnh báo và kêu gọi công dân Mỹ tránh xa biểu tình ở Nga.
"Dĩ nhiên những thông báo này không phù hợp. Và dĩ nhiên, một cách gián tiếp, họ đã can thiệp vào vấn đề nội bộ của nước tôi", ông Peskov nói.
Người phát ngôn Peskov cho rằng những người biểu tình cuối tuần này không bằng những người ủng hộ ông Putin, nhắc lại việc người dân Nga năm ngoái đồng ý với sửa đổi hiến pháp, cho phép ông Putin nắm quyền đến năm 2036.
Trong khi đó, Đại sứ quán Mỹ cho biết việc các đại sứ quán của nước này phát cảnh báo cho công dân là quy trình thông thường.
Trong cuối tuần này, hàng chục ngàn người tại Nga xuống đường bày tỏ sự ủng hộ với nhà chính trị đối lập Alexei Navalny, người bị bắt sau khi trở về nước mới đây. Trước đó, ông Navalny điều trị tại một bệnh viện ở Đức vì bị đầu độc.
Nga đã dùng vũ lực để giải tán đám đông và bắt hơn 3.500 người biểu tình, theo Hãng tin AFP. Vụ việc khiến Nga vấp phải nhiều chỉ trích từ các nước phương Tây.
Mới nhất, chính trị gia Đức Manfred Weber, người đứng đầu nhóm liên minh chính trị EPP trong Nghị viện châu Âu, kêu gọi Liên minh châu Âu trừng phạt Nga vì đã bắt giữ ông Navalny. Ông Weber đề xuất các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào dòng tiền của Matxcơva.
Đồng thời, ông Peskov cũng tuyên bố ông Putin sẽ hưởng ứng nếu chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ sẵn sàng đối thoại, bởi Nga cho rằng Matxcơva và Washington có thể thiết lập đối thoại.
Hãng thông tấn Nga TASS dẫn lời ông Peskov cho biết Nga nhấn mạnh đây sẽ là cuộc đối thoại mà trong đó những bất đồng được đề cập sâu rộng hơn, đồng thời mở ra khả năng tìm thấy một số vấn đề cốt lõi hợp lý để hai bên tăng cường quan hệ.
Mối quan hệ giữa Nga và Mỹ đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, trong đó hai bên bất đồng về vấn đề Ukraine, sự liên quan của Moskva trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) và một số vấn đề khác.
Tuần trước, Nhà Trắng thông báo tân Tổng thống Mỹ Biden đề xuất gia hạn New START thêm 5 năm tại thời điểm văn kiện này hết hạn vào ngày 5-2 tới.
TTO - Cảnh sát Nga đã bắt giữ hơn 3.000 người liên quan tới cuộc biểu tình ủng hộ chính trị gia đối lập Alexei Navalny, trong bối cảnh hàng chục ngàn người biểu tình trên toàn quốc bất chấp cảnh báo của cảnh sát.