Trước tình trạng thiếu hụt container rỗng khiến ngành hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam (VN) nên tự sản xuất container. Khi VN tự làm được mặt hàng này sẽ không còn rơi vào thế bị động vì phải phụ thuộc vào nước khác như suốt thời gian qua. Thế nhưng các công ty Việt lo khó cạnh tranh lại với doanh nghiệp (DN) Trung Quốc (TQ) nên không dám đầu tư.
Container khan hiếm khiến các DN xuất khẩu thủy sản, trái cây… gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: QH
Dừng đơn hàng, đóng cửa nhà máy do khan hiếm container
Theo phản ánh của nhiều DN thủy sản, tháng 1-2021, cước tàu đi EU đã tăng 145%-276% tùy theo cảng. Theo đó, nếu như tháng 12-2020, giá cước cảng chính là 2.850 USD/container thì bước sang tháng sau đã tăng lên 7.000 USD/container. Thậm chí một số hãng tăng từ 2.800 USD lên 10.550 USD/container.
Mặc dù tỉ lệ tăng không lớn như EU nhưng giá cước tàu đi Mỹ vốn đã cao thì nay tiếp tục tăng cao hơn nữa. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN, đánh giá khan hiếm container rỗng khiến giá cước container tăng bất thường. Điều này làm tăng chi phí cho DN, thậm chí một số hãng tàu còn tăng phụ phí mùa cao điểm, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt và gây khó cho DN.
“Hiệp hội đã gửi thông tin khuyến cáo các DN xuất khẩu thủy sản có phương án chủ động ứng phó với tình trạng thiếu container rỗng, thiếu tàu chở hàng kéo dài đến tháng 2, tháng 3-2021” - ông Hòe cho biết.
Theo ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics VN (VLA), mặc dù chưa có thống kê cụ thể nhưng nhiều khách hàng cho biết lượng hàng tồn kho đã tăng lên 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng lo hơn là có đơn vị đã phải đóng cửa nhà máy, dừng các đơn hàng tháng 1-2021 do giá cước vận tải biển quá cao khiến giá thành sản xuất tại VN không còn cạnh tranh.
“Hiện có đến 40% DN tham gia khảo sát của hiệp hội cho biết gặp khó khăn trong việc giao nhận container rỗng tại điểm tập kết. Việc này dẫn đến hàng hóa phải lưu kho chờ xuất khẩu, chi phí lưu kho, lưu bãi đội lên 5%-10% giá trị lô hàng, chưa kể có thể làm suy giảm chất lượng hàng hóa” - ông Khoa nói.
Không chỉ cước vận chuyển tăng quá cao mà các nhà xuất nhập khẩu còn không book được tàu và container để xuất khẩu. Chưa hết, các DN cung cấp nguyên liệu từ nước ngoài cũng không thể đặt được tàu đưa nguyên liệu về VN để chế biến hàng xuất khẩu.
Kết nối kém Việc ứng dụng công nghệ để quản lý và thu gom container còn chưa được rộng rãi, chưa kết nối được giữa các DN logistics, đại lý hãng tàu và các DN chủ hàng có nhu cầu sử dụng container. Đây là một trong lý do dẫn đến tình trạng tồn đọng, khan hiếm container. Bộ Công Thương |
Không dám sản xuất container
Một trong những nguyên nhân dẫn đến khan hiếm container theo Bộ Công Thương là do năng lực tiếp nhận, quản lý container rỗng của các DN VN hiện còn hạn chế, không có bãi tập kết container rỗng đủ lớn.
“Trong khi đó, VN có rất ít đơn vị kinh doanh đóng mới và sửa chữa container, đặc biệt là container chuyên dùng. Chính vì vậy VN phải phụ thuộc vào lượng container của các hãng tàu nước ngoài” - Bộ Công Thương nhận định.
Là đơn vị chuyên sản xuất container, ông Tuấn, Giám đốc Công ty Lisotecs, cho biết những năm trước đây tại VN đã có một số nhà máy công nghiệp lớn đóng container phục vụ cho xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay các nhà máy này ngưng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất.
và VN có rất ít đơn vị đóng mới container.Ảnh: QH
Ông Tuấn thông tin thêm, bản thân công ty ông cũng chuyên cung cấp container cho thị trường trong nước phục vụ vận chuyển hàng hóa nội địa, làm nhà container. Còn về container theo tiêu chuẩn quốc tế để đóng hàng xuất nhập khẩu thì DN VN đủ khả năng sản xuất nhưng phải làm quy mô lớn, còn nhỏ lẻ không hiệu quả.
Lý do là nguồn nguyên liệu thép làm container phụ thuộc TQ, trong khi chi phí nguyên liệu chiếm tới 75%-80%. Hơn nữa, các công ty VN đóng nhỏ lẻ container nên số lượng không nhiều, nguyên liệu lại không chủ động nên không có lợi nhuận.
“VN có sản xuất được cũng khó cạnh tranh lại ngành sản xuất container khổng lồ, giá rẻ TQ. Đó là lý do một số công ty lớn của VN dù đã sản xuất nhưng phải ngưng hoạt động trong lĩnh vực này” - ông Tuấn chia sẻ.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, phân tích: DN VN có thể đóng mới container nhưng có nhiều lý do để các đơn vị không mặn mà tham gia sản xuất. Bởi container là mặt hàng tương đối đặc thù, muốn làm phải có đơn hàng cam kết số lượng nhất định và đều đặn trong khi số khách hàng lại không nhiều.
Thêm nữa, sản xuất container cần số vốn lớn để đầu tư cho nhà xưởng, máy móc, nguyên liệu và nhân công. Trong khi đó, các DN Việt trong lĩnh vực này hiện đều là quy mô nhỏ, không có vốn để đầu tư mở rộng sản xuất nên họ phải chấp nhận việc cải tạo, sửa chữa container và sản xuất thêm những mặt hàng cơ khí khác như rơmoóc, sơmi rơmoóc để tồn tại.
Ông Trần Thanh Hải cũng cho biết các nhà sản xuất từ TQ đảm nhiệm phần lớn lượng cung ứng container trên toàn cầu. Chỉ có khoảng sáu công ty TQ đã chiếm 90% sản lượng container toàn cầu.
“Nhiều quốc gia muốn tham gia vào lĩnh vực sản xuất container và hoàn toàn đủ năng lực để sản xuất container rỗng nhưng lo không cạnh tranh nổi. Giá bán container mới của thị trường là 1.500 USD, trong khi container mới của TQ sản xuất giá rẻ hơn gần một nửa” - ông Hải dẫn chứng.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng về mặt kỹ thuật, sản xuất container không khó. Nhưng câu chuyện nằm ở chỗ các DN VN lo cạnh tranh không nổi với TQ về mặt giá cả nên không dám đầu tư. Hơn nữa, các công ty VN sợ rủi ro, tức muốn có khách hàng đặt mua trước, đảm bảo đầu ra rồi mới sản xuất container rỗng trong khi DN các nước dám mạo hiểm và được nhà nước hỗ trợ về vốn. Đây chính là lý do khiến nước ta gần như phụ thuộc hoàn toàn vào container nước ngoài.•
Phải làm chủ khả năng vận chuyển quốc tế Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các DN logistics VN, cho rằng để làm chủ được giá thuê container rỗng, DN VN phải làm chủ khả năng vận chuyển quốc tế và phải có đội tàu container của DN VN. “Để có được đội tàu VN thì cần có những DN có năng lực dẫn dắt trong lĩnh vực vận tải biển quốc tế. Muốn vậy cần Nhà nước có chính sách kích thích DN đầu tư phát triển vào lĩnh vực này” - ông Hiệp nhấn mạnh. |