Khoản 3 Điều 40 BLHS 2015 quy định không thi hành án tử hình nếu người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ... Tính đến nay, có lẽ cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son là người đầu tiên được áp dụng quy định này.
1.
Thật ra trường hợp ông Nguyễn Bắc Son thoát án tử không phải do được áp dụng theo nghĩa gốc của điều luật. Tức là chuyện khắc phục hậu quả không phải xảy ra sau khi ông đã bị kết án tử nên ông được “không thi hành án tử hình” mà là việc khắc phục được thực hiện ngay khi tòa đang xử, nhờ đó ông được tòa tuyên án chung thân.
Khi phiên tòa đang diễn ra, gia đình cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã nộp lại 66 tỉ đồng; nhờ vậy tòa đã không tuyên phạt ông Son mức án tử hình mà chuyển xuống án chung thân. Ảnh: TUYẾN PHAN
Cụ thể hơn, khi đang xét xử sơ thẩm, trước ý nguyện của ông Son và gia đình, tòa đã cho dừng phiên xử, tạo điều kiện cho bị cáo nộp lại tài sản. Trong thời gian này, gia đình ông Son đã nộp đủ 66 tỉ đồng tiền tham nhũng. Từ đó, tòa đã tuyên phạt ông mức án chung thân với nhận định “gia đình ông Nguyễn Bắc Son đã thay mặt nộp 66 tỉ đồng, tiền nhận hối lộ được khắc phục nên không cần thiết áp dụng hình phạt tử hình như VKS đề nghị”.
Có lẽ vì vậy mà trong nghị quyết mới đây (Nghị quyết số 03/2020 hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ), Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã hướng dẫn rõ ràng, chi tiết việc áp dụng điều luật nói trên.
Theo đó, chỉ cần trong quá trình tố tụng, người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử.
Với hướng dẫn này thì ngoài việc không tuyên án tử hình (nếu khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình), người phạm tội còn không bị xử mức án cao nhất quy định tại khung hình phạt mà người đó bị truy tố, xét xử.
Đây là động thái rất đáng ghi nhận của cơ quan xét xử cao nhất nhằm góp phần quan trọng thúc đẩy công cuộc phòng, chống tham nhũng của nước nhà thêm hiệu quả.
2.
Còn nhớ khi dự án BLHS 2015 mới đưa ra để nhân dân góp ý, báo Pháp Luật TP.HCM từng có nhiều bài bàn luận về Điều 40 của dự luật này (khi còn ở dự thảo, đó là Điều 39). Khi đó, không ít chuyên gia lo ngại quy định này có thể sẽ ảnh hưởng đến tính răn đe, phòng ngừa chung trong công cuộc phòng, chống tham nhũng. Bởi lẽ, ngay khi có ý định tham nhũng, quan tham sẽ nghĩ nếu bị phát hiện, họ chỉ cần nộp lại từ 3/4 tài sản tham nhũng thì đã có thể thoát án tử hình…
Lo ngại nói trên thoạt nghe cũng có lý, song ngẫm kỹ lại thì đó chỉ là một góc rất nhỏ của vấn đề. Chúng ta biết rằng công cuộc phòng, chống tham nhũng không chỉ bằng chế tài, trừng trị, tội tù… khi phát hiện ra kẻ tham nhũng. Việc phòng, chống tham nhũng như chúng ta đã thấy còn là hoàn thiện thể chế, là tăng cường sự giám sát của các ngành, các cấp và sự giám sát của nhân dân...
Nói như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 (diễn ra ngày 12-12-2020) là: “Đi đôi với tập trung chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng cũng được đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để bảo đảm “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng”.
Ngoài ra, quy định tại khoản 3 Điều 40 BLHS 2015 còn góp phần mang lại hiệu quả tốt cho việc thu hồi tài sản tham nhũng. Bởi nếu biết dù có nộp hay không nộp lại tài sản tham nhũng vẫn bị kết và bị thi hành án tử, rất có thể quan tham sẽ chọn cách không nộp lại tài sản. Và đó là một trong những lý do để suy nghĩ “hy sinh đời bố, củng cố đời con” còn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ quan tham tiềm ẩn.
Nói cách khác, với quy định này, chúng ta vừa đảm bảo yếu tố trừng trị, răn đe, vừa thúc đẩy việc thu hồi tài sản tham nhũng diễn ra thuận lợi. Đây là mục tiêu kép và là điểm tích cực của điều luật góp phần mang lại thành công trong công cuộc phòng, chống tham nhũng của nước nhà.
Mặt khác, điều luật nói trên còn là sự thể chế hóa chủ trương hạn chế hình phạt tử hình được xác định tại các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, đặc biệt là Nghị quyết số 49/NQ-TW. Việc hạn chế hình phạt tử hình này còn phù hợp với xu hướng tiến bộ chung của thế giới.