Binh sĩ Ấn Độ tuần tra trên biên giới chưa phân định với Trung Quốc - Ảnh: AFP
"Nếu họ gây hấn thì chúng tôi cũng đáp trả. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn để phản đòn trong bất kỳ tình huống nào. .
Đại tướng R.K.S. BHADAURIA - tư lệnh không quân Ấn Độ - tuyên bố trong một cuộc tập trận chung với Pháp ngày 23-1
Theo Hãng tin PTI của Ấn Độ, mục đích của cuộc đối thoại lần này hướng tới việc hai bên cùng rút bớt quân số ở biên giới và kiềm chế làm thay đổi hiện trạng. Trong khi truyền thông Trung Quốc hoàn toàn im lặng về cuộc gặp, phía Ấn Độ đưa tin đậm về sự kiện.
"Việc cắt giảm quân số sẽ không bao giờ diễn ra nếu Trung Quốc không cùng làm. Họ giữ nguyên thì chúng ta giữ nguyên", Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh nói trước báo giới hôm 22-1. Thế bế tắc trong các cuộc đàm phán hiện đã bước sang tháng thứ 9 khi cả hai bên tiếp tục triển khai quân đội, pháo binh, xe tăng ở các khu vực đối diện nhau qua biên giới.
Chạy đua xây dựng phên giậu
Khi được hỏi về quá trình đối thoại tháo gỡ căng thẳng với Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Singh nhấn mạnh "không có thời hạn chót cụ thể", ám chỉ căng thẳng có thể âm ỉ trong thời gian dài và bất ngờ bùng phát.
"Trung Quốc đã phá vỡ lòng tin của Ấn Độ, đó là điều không còn bàn cãi gì nữa" - ông Singh khẳng định nhưng lạc quan cho rằng hai bên có thể tìm thấy giải pháp thông qua đàm phán.
Theo Đài NDTV của Ấn Độ, Trung Quốc đã đề xuất đối thoại quân sự hôm 19-1. Tuy nhiên, đề nghị chỉ được Bắc Kinh đưa ra trước một ngày nên New Delhi đã từ chối và yêu cầu dời lại sang ngày 24-1. Cuộc đối thoại lần này sẽ diễn ra ở cấp chỉ huy quân đoàn, trực tiếp là các đơn vị đóng gần biên giới hai nước.
Cũng theo ông Singh, Ấn Độ đang phát triển cơ sở hạ tầng ở khu vực biên giới với tốc độ "rất nhanh", đồng thời cho biết thêm Trung Quốc đã thể hiện sự phản đối một số dự án. Khu vực biên giới mà ông Singh nhắc tới là "đường kiểm soát trên thực tế" (LAC) được cả Trung Quốc và Ấn Độ lấy làm ranh giới tạm thời sau cuộc xung đột năm 1962.
Một ngôi làng có hơn 100 căn nhà được xây dựng phía đông LAC, trên phần đất Trung Quốc kiểm soát, đã thu hút sự chú ý từ Ấn Độ trong vài tuần trở lại đây. Ước tính ngôi làng này có thể chứa tới "vài ngàn người". Quân đội Ấn Độ xác nhận Bắc Kinh bắt đầu xây dựng ngôi làng này đã vài năm, tức trước khi xảy ra vụ đụng độ đẫm máu với binh sĩ Trung Quốc hồi tháng 6-2020.
Thông tin này làm dấy lên một số chỉ trích và kêu gọi Ấn Độ tăng tốc xây dựng phên giậu ở biên giới giáp Trung Quốc.
Phép thử chính quyền Tổng thống Biden
Ông Jayadeva Ranade, người đứng đầu Trung tâm Phân tích chiến lược và Trung Quốc, có trụ sở tại Ấn Độ, tỏ ra bi quan khi cho rằng căng thẳng Ấn - Trung sẽ không được giải quyết triệt để. Với người dân trong nước, chính quyền Bắc Kinh gần đây đã công khai nói về các động thái của New Delhi ở biên giới, đặc biệt là khu vực Ladakh.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đổ lỗi cho Ấn Độ, đồng thời tuyên bố nếu có xung đột vào tháng 4 hoặc tháng 5 năm nay thì đó là lỗi của New Delhi.
Ông M.K. Bhadrakumar, một nhà cựu ngoại giao Ấn Độ, thừa nhận Ấn Độ là một trong số những nước hi vọng ông Biden sẽ tiếp nối chính sách cứng rắn với Trung Quốc của người tiền nhiệm Donald Trump.
Nỗi lo "bị lãng quên" của Ấn Độ là có cơ sở do Tổng thống Biden đã nhiều lần tuyên bố sẽ đối đầu có chọn lọc với Trung Quốc và tìm kiếm các lĩnh vực có thể hợp tác với Bắc Kinh, chẳng hạn như chống biến đổi khí hậu.
Hôm 12-1, chính quyền Trump đã cho công bố bản giải mật chiến lược kiềm chế Trung Quốc. Tài liệu chỉ 10 trang đã nêu bật vai trò của Ấn Độ trong việc phối hợp ngăn chặn Trung Quốc. Theo Đài NPR, việc tài liệu được công bố vào thời điểm chỉ còn 8 ngày cuối cùng của nhiệm kỳ là nhằm ràng buộc chính quyền Biden.
Một số nhà phân tích lo lắng việc chính quyền Biden quá chú trọng vào hợp tác chống biến đổi khí hậu với Trung Quốc có thể khiến nhiều nước thất vọng. Nói như ông Joseph Liow, một nhà phân tích các vấn đề quốc tế của Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, chính quyền Biden cần cho thấy sự thấu hiểu các khó khăn của những nước trong khu vực châu Á nếu muốn tập hợp lực lượng.
TTO - Thông tin từ Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 24-1 đã điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, bày tỏ mong muốn củng cố quan hệ hai nước.
Xem thêm: mth.32650828052101202-nedib-neyuq-hnihc-uht-gnurt-na-gnon-od/nv.ertiout