Bạn trẻ chụp hình sống ảo ở hầm chui sông Hàn (Đà Nẵng) bất chấp nguy hiểm - Ảnh: QUỲNH GIANG
Các điểm check-in mới lạ vừa được rỉ tai trên mạng là bị "khai tử" sau vài tuần vì ý thức của người chụp ảnh.
"Sống ảo" ở hầm chui, vòng xuyến
Gần đây, từ sau 20h tối đến tận khuya là thời điểm ngã tư đường Lê Duẩn - Trần Phú đoạn chân cầu Sông Hàn (Đà Nẵng) đông nghẹt các bạn trẻ.
Mặc cho dòng xe qua lại, họ thản nhiên lăn xả, tạo dáng ngay giữa lòng đường để có được những tấm ảnh mà theo giới trẻ là "độc". Chưa dừng lại ở đó, nhiều tốp còn săn ảnh trong hầm chui sông Hàn mặc cho các tài xế bấm còi và nhắc nhở thậm chí gay gắt. Dù đã có những biển cấm, các bạn trẻ vẫn thản nhiên như chốn không người và chỉ tập trung vào việc "săn ảnh".
An Nhiên (22 tuổi) cùng bạn của mình vừa bước ra từ hầm chui nơi dòng xe cộ lưu thông dày đặc, không ngần ngại chia sẻ: "Phải chịu khó và bất chấp chút mới có ảnh độc nhiều like". Theo Nhiên, những bức ảnh với bối cảnh bức tường hầm, rào chắn vạch trắng đỏ, hay khung cảnh một mình đứng giữa ngã tư sau lưng là dòng xe chờ đèn đỏ... đang rất "hot" trên mạng.
Bạn của Nhiên thì cho rằng chỉ cần chú ý một chút sẽ không... bị xe đụng. "Muốn có bức ảnh độc ngay giữa thành phố khiến bạn bè ai cũng trầm trồ thì phải đầu tư công sức một chút" - cô bạn hồn nhiên nói.
Hầm chui này là công trình giúp tháo gỡ nút ùn tắc giao thông phía tây cầu Sông Hàn nên xe cộ qua lại rất đông. Ông Hồ Minh (một hộ kinh doanh trên đường Lê Duẩn gần hầm chui) cho biết nhiều tháng nay cứ hết nhóm này đến chụp ảnh được cảnh sát giao thông nhắc nhở là lại có nhóm khác.
Từ sau 22h đêm là thời điểm đông người chụp ảnh ở hầm chui nhất. "Đã có mấy vụ xe máy chạy qua đụng trúng mấy đứa nhỏ chụp ảnh rồi đó, mà may chưa có vụ nào nghiêm trọng. Đường một chiều nữa nên người ta chạy nhanh, như thế mất an toàn quá" - ông Minh nói.
Không chỉ ở hầm chui sông Hàn, nhiều bạn trẻ đã tận dụng dòng xe chờ đèn đỏ để chụp hình sống ảo ở các vòng xuyến đông người qua lại. Đều đáng nói là những bức ảnh khi đăng tải trên các trang mạng xã hội lại nhận được rất nhiều lượt like và khen ngợi. Nhiều trang mạng còn giới thiệu đây là điểm check-in độc lạ.
Ở góc độ đơn vị quản lý các công trình giao thông, ông Đỗ Xuân Tiến, phó giám đốc Công ty Quản lý cầu đường TP Đà Nẵng, nhìn nhận hành vi này đã vi phạm Luật giao thông đường bộ, đồng thời gây nguy hiểm, mất an toàn cho bản thân người chụp ảnh và xe cộ lưu thông.
Ông Tiến cho biết sau khi nắm được phản hồi về tình trạng này, lực lượng tuần tra và các ca trực của đơn vị đã tăng cường túc trực tại công trình, đặc biệt vào khung giờ ban đêm để ngăn ngừa các trường hợp vi phạm này.
"Đồng thời chúng tôi cũng đã tham mưu và đề xuất Sở Giao thông vận tải có ý kiến với Sở Giáo dục - đào tạo, Sở Thông tin - truyền thông, cơ quan chức năng các quận huyện cùng vào cuộc để tuyên truyền, giáo dục các hành vi vi phạm giao thông" - ông Tiến cho hay.
Đừng để "sống ảo" gây hại... sống thật
Trào lưu mạo hiểm để "sống ảo" đã hình thành từ vài năm trở lại đây. Từ leo trạm thu phát sóng chọc trời để check-in đến săn những bức ảnh đánh đu trên dây võng các cây cầu ban đêm... Bên cạnh đó, liên tiếp thời gian qua, giới trẻ đã "khai tử" những địa điểm đẹp của thành phố ngay sau khi vừa phát hiện vài tuần.
Đơn cử việc "phim trường sống ảo" từ 100 ống bêtông đang chờ thi công xếp gần nhau ở một bãi đất trống quận Sơn Trà biến thành bãi rác là câu chuyện đáng buồn cho ý thức người chụp ảnh. Những vành cống đặt sát nhau tạo thành "xoắn ốc khổng lồ" nhanh chóng thu hút các bạn trẻ cho ra những bức ảnh "xuất thần".
Ngay lập tức giới trẻ đổ xô đi "săn ảnh" ống cống và nhiều người thiếu ý thức xả rác đầy khu vực này. Ngay sau đó, đơn vị quản lý ống cống đã phải cho người dọn dẹp lượng rác lớn ở đây và bố trí bảo vệ ngăn không cho bất kỳ ai vào khu vực này nữa.
Khung cảnh "xứ Hàn" đẹp như tranh ở Đà Nẵng tan hoang bởi quá đông người đến check-in cũng khiến cộng đồng mạng không khỏi xót xa, lên án về ý thức bảo vệ cảnh quan. Để chụp ảnh cùng hàng cây sưa trụi lá và thảm cỏ xanh mướt ở tuyến đường ven biển Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà), nhiều bạn trẻ đã bất chấp chen lấn, giẫm đạp thảm cỏ đẹp mặc tấm biển cảnh báo "Vui lòng không xả rác và giẫm lên thảm cây xanh" bên cạnh.
Điều đáng nói, đây là cảnh quan do một khu du lịch đầu tư, hàng cây sưa vàng được đơn vị trồng và chăm sóc nhưng chưa đưa vào hoạt động thì biến thành bãi rác với khẩu trang y tế, khăn giấy, vỏ bánh kẹo, bao nilông...
"Gắn chip" vào hành vi
Ông Nguyễn Nguyên Long, giám đốc Học viện kỹ năng sống Con Rồng Cháu Tiên, cho rằng hiện nay môi trường giáo dục chưa ràng buộc được các em việc tự giác dọn vệ sinh mà không cần người nhắc nhở. Thông điệp "đến sạch, ở sạch và đi sạch" vẫn chưa được "gắn chip" vào hoạt động và hành vi của các em.
Ông Long cho rằng phải đưa nó vào tiêu chí đầu tiên trong mọi hoạt động ở trường, các câu lạc bộ, đội nhóm để giáo dục bởi đa số các em đang là học sinh, sinh viên. Từ đó khi các em tách rời một tập thể thì vẫn sẽ tạo thành thói quen thông qua cách giáo dục của tổ chức.
Về việc chụp ảnh sống ảo bất chấp nguy hiểm, ông Long nhìn nhận hiện tượng này có ở mọi quốc gia, tâm lý nổi loạn và xu hướng thích thể hiện dễ khiến các em bước qua lằn ranh giữa an toàn và nguy hiểm khi không có người lớn bên cạnh. Điều đó cũng bắt đầu từ việc giáo dục.
Hãy cho các em biết thông điệp "sinh mạng là thứ quý giá nhất". Việc check-in độc lạ bất chấp nguy hiểm là do các em chưa được giáo dục về kỹ năng sinh tồn nơi đô thị và tự đẩy mình vào nơi nguy hiểm.
"Mạng xã hội cũng là nơi để các em thể hiện. Các em có xu hướng thu hút like như là cách thể hiện bản thân và xem mạng xã hội là một thế giới mà bản thân tự sống trong thế giới đó theo cách riêng.
Các em không được định hướng về hành vi, ứng xử trong thế giới đó ra sao. Các bạn trẻ có xu hướng làm những gì lạ chưa từng có, ở đó có cả lạ tích cực và lạ tiêu cực. Giáo dục hãy là người gác cổng để cho các em biết lạ chưa từng có tích cực là gì và nhận diện được cái tiêu cực" - ông Long nói.
TTO - Gần đây, con hẻm nhỏ nằm trong ngõ 5, phố Từ Hoa (Tây Hồ, Hà Nội) nổi tiếng với view nhìn ra hồ Tây với những toà nhà block trắng thu hút giới trẻ đến "check-in". Nhưng sau khi rời đi, không ít người vô tư để lại rất nhiều rác.
Xem thêm: mth.74522001152101202-cod-hna-nas-ed-iuhc-mah-gnoud-gnol-auig-gnad-oat-ax-nal/nv.ertiout