Đà hồi phục chữ K khiến bức tranh kinh tế thế giới thêm rối rắm
Chánh Tài
(TBKTSG Online) - Đại dịch Covid-19 đang tạo ra đà phục hồi hình chữ K trên khắp thế giới, tức phân nhánh trái ngược nhau với một số khu vực của nền kinh tế cải thiện rõ rệt, trong khi đó, nhiều khu vực khác vẫn trì trệ. Điều này càng gây khó khăn cho nỗ lực chèo lái chính sách đối với các chính phủ trên toàn cầu.
Một cửa hàng ở New York, Mỹ bán thanh lý hàng thời trang để đóng cửa kinh doanh. Đà hồi phục chữ K dẫn đến một số ngành phục hồi mạnh mẽ và một số ngành bao gồm dịch vụ vẫn chịu tổn thương dai dẳng. Ảnh: Getty |
Bức tranh của nền kinh tế kinh tế thế giới đang đan xen những mảng sáng tối rõ rệt, với ngành công nghiệp sản xuất, bao gồm ngành bán dẫn và ô tô đang phục hồi nhanh chóng, thậm chí quá nóng nhưng ngành dịch vụ bao gồm du lịch và nhà hàng, vẫn chịu tổn thương do tác động dai dẳng của đại dịch Covid-19.
Ngành bán dẫn là một một ví dụ điển hình của đà hồi phục chữ K. Gần đây, Renesas Electronics (Nhật Bản), một công ty sản xuất bán dẫn lớn, đề nghị khách hàng chờ đợi thời gian giao hàng lên đến 12 tuần, tăng gấp đôi so với thông thường do nguồn cung chip bán dẫn bị thiếu hụt nghiêm trọng.
Tình trạng này xảy ra khi nhu cầu linh kiện bán dẫn ở các trung tâm dữ liệu tăng đột biến do ngày càng có nhiều người lao động cổ cồn trắng chuyển sang làm việc trực tuyến tại nhà. Nhu cầu linh kiện bán dẫn của ngành công nghiệp ô tô cũng đang phục hồi nhanh kể từ mùa thua năm ngoái. Hãng sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới TSMC (Đài Loan) ghi nhận mức doanh thu quí cao nhất trong lịch sử trong quí cuối năm 2020. |
Trong một bài viết trên tờ Nikkei Asian Review hôm 24-1, hai cây bút Kazuya Manabe và Yoichiro Hiroi nhận định mức tăng giá tài sản đang khác nhau giữa các ngành và điều này càng cho thấy rõ rằng đà tăng điểm của các thị trường chứng khoán trên toàn cầu hiện nay không phản ánh sức khỏe hiện tại của nền kinh tế thực.
Doanh số xe sang ở Trung Quốc đang tăng trưởng mạnh. Các thương hiệu xe sang như Mercedes-Benz, BMW và Audi đều đạt doanh số kỷ lục trong năm 2020.
Hoạt động lắp ráp xe suy sụp hồi mùa xuân 2020 sau khi đại dịch Covid-19 ập tới nhưng kể từ mùa thu năm ngoái, nhu cầu phục hồi mạnh mẽ, khiến một hãng xe phải chạy đua với tiến độ sản xuất để đáp ứng. Giá kim loại đồng, thước đo sức khỏe của ngành công nghiệp sản xuất, đã tăng rất mạnh kể từ mùa xuân năm ngoái và đang ở mức cao nhất trong tám năm qua.
Tuy nhiên, sức khỏe của những ngành đó chỉ là một khía cạnh tích cực của nền kinh tế toàn cầu giữa đại dịch Covid-19 và đối lập hoàn toàn với bức tranh ảm đạm của ngành dịch vụ.
Tại Mỹ, doanh thu của các cửa hàng bách hóa trong tháng 12-2020 giảm mạnh 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hiệp hội Nhà hàng Mỹ, tính đến tháng 12 năm ngoái, có hơn 110.000 nhà hàng ở Mỹ hoặc đóng cửa vĩnh viễn hoặc đóng cửa trong dài hạn. Giá phòng khách sạn ở Nhật Bản, Mỹ và châu Âu đang giảm mạnh hơn so với thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.
Các dữ liệu về chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của IHS Market cũng khác cho thấy sự phân kỳ giữa các ngành kinh tế với niềm tin kinh doanh ở ngành sản xuất tiếp tục cao hơn mức đỉnh trước đại dịch, trong khi đó, niềm tin ở ngành dịch vụ vẫn thấp dai dẳng.
Các dữ liệu sơ bộ cho thấy tăng trưởng GDP của khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) quí cuối năm 2020 dự kiến rơi vào vùng âm. Trong khi đó, Nhật Bản cũng có nguy cơ tăng trưởng âm trong quí 1-2021 khi dịch Covid-19 đang tái trỗi dậy ở nước này.
Trong khi nền kinh tế thực của nhiều nước hướng đến đợt suy giảm khác do làn sóng phong tỏa mới, các thị trường chứng khoán trên toàn cầu đang ở các mức đỉnh của lịch sử với tổng vốn hóa toàn cầu cán mức 100.000 tỉ đô la Mỹ lần đầu tiên vào tháng 12 năm ngoái. Tính đến hôm 22-1, con số này đã tăng lên 6%, lên mức 105.000 tỉ đô la, theo dữ liệu của hai công ty ty nghiên cứu Quick (Nhật Bản) và FactSet (Mỹ).
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP danh nghĩa của toàn cầu trong năm 2021 là 91.000 tỉ đô la. Điều này đánh dấu một kỷ nguyên bất thường khi vốn hóa thị trường chứng khoán toàn cầu cao hơn tổng giá trị GDP toàn cầu.
Fumio Matsumoto, nhà chiến lược trưởng ở Công ty chứng khoán Okasan Securities (Nhật Bản), nói: “Nền kinh tế càng xấu, giá cổ phiếu càng tăng cao do giới đầu tư kỳ vọng các chính phủ sẽ tung thêm các biện pháp kích thích”.
Hiện nay, các chính phủ trên thế giới đã triển khai các gói kích thích với tổng giá trị 12.500 tỉ đô la để cứu vãn nền kinh tế trong đại dịch Covid-19.
Những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch phần lớn là người lao động bán thời gian và những lao động trẻ trong ngành du lịch và dich vụ ăn uống. Các biện pháp cứu trợ kinh tế quyết liệt là điều cần thiết để hỗ trợ các nhóm lao động dễ bị tổn thương trong ngành dịch vụ nhưng thực tế, các chính sách tăng chi tiêu tài khóa và nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương đang khiến các thị trường tài chính tăng quá nóng.
Các chính sách tiền tệ và tài khóa này sẽ càng làm nới rộng thêm chênh lệch thu nhập giữa những người lao động thuộc tầng cấp thấp trong xã hội và những người giàu, đang hưởng lợi nhờ giá trị tài sản bao gồm cổ phiếu tăng mạnh.
Mặt khác, nếu rủi ro lạm phát tăng lên do giá tài sản tăng và cơn bùng nổ của ngành sản xuất, các thị trường tài chính có thể chứng kiến giới lãnh đạo ngân hàng trung ương siết chặt tiền tệ. Hai cây bút Kazuya Manabe và Yoichiro Hiroi cảnh báo nếu điều này xảy ra, thị trường chứng khoán sẽ trải qua một cú lao dốc mạnh. Họ cho rằng khi đại dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn, các chính phủ và ngân hàng trung ương đang nhận thấy khó khăn hơn để chèo lái chính sách đi đúng hướng trong bối cảnh các khu vực kinh tế hồi phục không đồng đều.
Theo Nikkei Asian Review
Xem thêm: lmth.mar-ior-meht-ioig-eht-et-hnik-hnart-cub-neihk-k-uhc-cuhp-ioh-ad/340313/nv.semitnogiaseht.www