Viện trưởng Viện Công Nghệ Tài Chính (Đại học Kinh Tế TP HCM) Nguyễn Khắc Quốc Bảo vừa trao đổi với VnExpress về những chuyển biến của nền kinh tế trong nhiệm kỳ qua cũng như những động lực và kỳ vọng cho giai đoạn sắp tới.
- Ông đánh giá thế nào về hiện trạng của nền kinh tế nhiệm kỳ vừa qua?
- Nhìn lại lịch sử, những năm đầu của thập niên 90, khi vừa "Đổi mới", động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế lúc đó là sức cầu. Nhu cầu của người dân như ăn, mặc, nhà ở, đi lại, học hành, giải trí... hầu hết khi đó mới bùng nổ và chúng ta phải tìm cách đáp ứng các yêu cầu đó. Vì thế, tăng trưởng kinh tế những năm này rất cao.
Qua giai đoạn hưởng lợi từ sức cầu bùng nổ, từ đầu những năm 2000, động lực của nền kinh tế lại đến từ lao động và tài nguyên. Chúng ta tạo ra hàng hóa với mức giá thấp, do nhân công rẻ và dồi dào. Nhưng điều này lại tạo ra sự ngộ nhận rằng hàng hóa chúng ta có khả năng cạnh tranh về giá. Việt Nam khi đó thực ra là tăng trưởng nhờ thâm dụng tài nguyên, thâm dụng lao động là chính.
Sau giai đoạn này, nền kinh tế bắt đầu nhìn thấy tiềm năng của khu vực tài chính. Lúc này không nói về thâm dụng lao động, tài nguyên, hay dòng vốn đầu tư nước ngoài nữa, mà là các tài sản tài chính, dịch vụ của khu vực ngân hàng. Thị trường lao động cũng dịch chuyển vào đó. Nhưng tăng trưởng phụ thuộc vào khu vực tài chính cũng mang nhiều hệ lụy. Câu chuyện sở hữu chéo, nợ xấu, vi phạm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tạo ra những bất ổn vĩ mô sau khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra.
Khi một chu kỳ bước vào giai đoạn thoái trào, các động lực mới, một chu kỳ mới sẽ hình thành. Nhưng trước khi bước vào chu kỳ mới, nhiệm kỳ 5 năm vừa qua chính là giai đoạn mang tính giao thừa, bản lề.
Nhìn chung, điểm tích cực trong giai đoạn giao thời giữa các mô hình tăng trưởng là Việt Nam đã giữ được ổn định vĩ mô, duy trì được tăng trưởng ở mức cao, nhưng vẫn xử lý, sắp xếp lại được nền kinh tế, xử lý sai phạm, tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật.
Riêng 2020 là một năm rất đặc biệt khi sự kết thúc của một thập niên, của chu kỳ chuyển tiếp lại được bắt đầu bằng một đại dịch. Nhưng nhờ Covid-19 chúng ta nhìn thấy tiềm lực của nền kinh tế rất lớn. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong nhóm đầu của thế giới, các yếu tố vĩ mô được đảm bảo. Thậm chí nhiều người đánh giá, nếu với kinh tế mà chúng ta cũng kịp thời và quyết liệt như chống dịch vừa qua, thành tựu sẽ còn lớn hơn.
- Vậy động lực tăng trưởng mới, chu kỳ mới là gì?
- Nền kinh tế giai đoạn trước hưởng lợi nhiều từ nhu cầu tiêu dùng nội địa cao, lợi thế về tài nguyên, về lao động nhưng mô hình này rồi sẽ đến lúc tới hạn. Tăng trưởng dựa vào thâm dụng lao động và tài nguyên không thể áp dụng lâu dài và có nhiều điểm trừ dù giai đoạn trước, "công thức" này vẫn có thể áp dụng. Việc thay đổi khi đó sẽ rủi ro, nếu làm đúng sẽ được tưởng thưởng, nhưng nếu sai, hậu quả cũng không kém.
Tại Đại hội lần này, nhiệm kỳ mới chắc chắn sẽ có sự thay đổi. Dư địa cho cách thức tăng trưởng dựa vào sự thâm dụng không còn nhiều, trong khi bối cảnh hiện nay đã thay đổi, với sự xuất hiện nhiều hơn của công nghệ, khoa học kỹ thuật, của làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 và Việt Nam không thể thỏa mãn với một mô hình cũ.
Những năm gần đây, người dân cũng quen với Internet, kỹ thuật số, thanh toán không dùng tiền mặt. Tự thân nền kinh tế đang thay đổi, nếu hiện giờ chúng ta không tìm ra mô hình định hướng, quản lý, đưa các hoạt động kinh tế mới vào khuôn khổ sẽ giống như mặc một chiếc áo không phù hợp cho một cơ thể mới.
Dự thảo Văn kiện Đại hội lần này cũng nhắc rất nhiều về tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, trong khi những lần trước không có. Những Đại hội lần trước đã đề cập việc đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, nhưng chưa có giai đoạn nào, những đột phá, trụ cột trong mô hình tăng trưởng được nhắc nhiều và quyết liệt như lần này. Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII nhắc hơn trăm lần về việc "đổi mới mô hình tăng trưởng", và cũng bằng đó số lần là sự xuất hiện cụm từ "đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ".
- Trong nhiệm kỳ vừa qua, năm 2017, lần đầu Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tư nhân. Theo ông, trong chu kỳ mới, khu vực này nên được nhìn nhận như thế nào với sự phát triển của kinh tế đất nước?
- Tôi cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân luôn năng động, sáng tạo và người dân có ý thức làm giàu nên sẽ tiếp tục phát huy vai trò trụ cột trong giai đoạn tới. Phần lớn sân chơi cần được chuyển cho kinh tế tư nhân. Không phải ngẫu nhiên, nhiệm kỳ vừa rồi, Chính phủ kêu gọi phong trào khởi nghiệp, đó là chính phủ đã hiện thực hóa chủ trương phát triển thành phần kinh tế tư nhân của Đảng.
Những định hướng của chu kỳ kinh tế mới, như đổi mới sáng tạo, kinh tế số cũng phải trông chờ vào khu vực tư nhân. Bởi không giống như khu vực Nhà nước vốn được bao bọc, hỗ trợ, khu vực tư nhân đi lên từ những doanh nghiệp mới khởi sự, họ buộc phải xoay xở và khi bị dồn ép tới giới hạn, họ buộc phải sáng tạo, tìm tòi những điều mới. Nếu không có Uber, Grab vào Việt Nam, taxi truyền thông có tạo ra các ứng dụng gọi xe? Nếu không có làn sóng bùng nổ thanh toán không dùng tiền mặt của các Fintech, ngân hàng có đưa ra các ứng dụng tốt như hiện nay?
- Vậy còn vai trò "sếu đầu đàn" của các doanh nghiệp Nhà nước?
- Tôi nghĩ rằng một số lĩnh vực có điều kiện, bị giới hạn, thì vai trò của doanh nghiệp Nhà nước là quan trọng, nhưng vấn đề là cơ chế chính sách phải rõ ràng và kỹ lưỡng.
Hình ảnh "sếu đầu đàn" là biểu tượng về vai trò dẫn dắt, kéo theo sự tăng trưởng cho một nhóm phía sau. Thực ra, mô hình này đã từng được áp dụng tại Nhật Bản và Hàn Quốc trong các giai đoạn trước. Tuy nhiên, một hình ảnh khác nếu chúng ta áp dụng chính sách không phù hợp là sẽ tạo ra những chiếc xe buýt cỡ lớn chạy trên con đường làng nhỏ hẹp. Và khi đó, những chiếc xe cùng chạy trên đường sẽ bị dạt ra hai bên hoặc thậm chí không thể tham gia trên đường.
Nếu chính sách không phù hợp, tôi cho rằng thay vì tạo động lực tăng trưởng chung cho toàn ngành, chúng ta sẽ khiến không gian phát triển thực tế bị thu hẹp, bị chen lấn. "Sếu đầu đàn" hay một chiếc xe quá khổ, quá tải là do cách chúng ta tạo ra cuộc chơi như thế nào.
Nếu nói chú trọng kinh tế tư nhân nhưng vẫn trao cho doanh nghiệp Nhà nước nhiều đặc quyền là điều không nên. Thu hẹp đặc quyền của khu vực Nhà nước chính là giải pháp để thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển.
Vì thế, trừ một số lĩnh vực đặc biệt, nhạy cảm, tôi cho rằng vẫn nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tham gia, tạo ra sự công bằng trong mọi lĩnh vực.
Nhìn chung chúng ta phải tôn trọng doanh nghiệp, doanh nhân hơn, từ những chính sách nhỏ, họ mới thực sự là "bầu sữa" của ngân sách, là động lực đi lên của kinh tế.
Minh Sơn