Báo cáo của đơn vị này chỉ ra, bán lẻ là một trong những ngành bị ảnh hưởng tiêu cực nhất do đại dịch Covid-19. Có rất nhiều không gian bị trả lại và một số cuộc đàm phán dẫn đến việc điều chỉnh giá khoảng 30%. Nhiều thương hiệu lớn đã quyết định đóng cửa một số chi nhánh hay thậm chí đóng cửa tại Việt Nam, như Parkson, Big C và Auchan. Do tình hình Covid-19 kéo dài, giá thuê bán lẻ tiếp tục giảm trong quý 4. Cụ thể, giá thuê ghi nhận giảm khoảng 10 USD/m2/tháng so với cũng kì năm 2019. Tuy nhiên, tỉ lệ lấp đầy vẫn duy trì ở mức cao, cao hơn 1% so với cùng kì.
Về nguồn cung, thị trường có thêm một dự án bán lẻ mới trong quý 4/2020 là Terra Royal ở quận 3, bổ sung thêm 7.712m2 cho thị trường bán lẻ. Như vậy, thị trường đã chào đón 50.000m2 từ 7 dự án mới trong năm 2020, trong đó các dự án ở vùng ven chiếm hơn 80% diện tích. Sau nhiều tháng cải tạo, Parkson (Malaysia) đã đưa vào hoạt động một lượng lớn mặt bằng với hơn 1.700m2 tại Parkson Saigontourist quận 1. Bên cạnh Uniqlo, một thương hiệu khác đến từ Nhật Bản là MUJI cũng đã khai trương cửa hàng đồ gia dụng trong trung tâm thương mại này và dự kiến nâng GFA lên 2.000m2 trong quý này.
Về nguồn cầu, nhìn chung tỉ lệ lấp đầy vẫn cao bất chấp đại dịch. Nhu cầu về mặt bằng bán lẻ hàng hoá và dịch vụ vẫn ổn định mặc dù lượng khách quốc tế giảm mạnh. Nhiều thương hiệu quốc tế bao gồm Uniqlo, Giordano, ACE, H&M và Watson tiếp tục tăng số lượng cửa hàng ở Việt Nam trong năm 2020, điều này báo hiệu tốt trong vài năm tới cho thị trường bán lẻ Việt Nam.
Dự báo thị trường bán lẻ Tp.HCM sẽ chào đón trung tâm thương mại Socar tại thành phố Thủ Đức vào quý 1/2021. Trong giai đoạn sau, nguồn cung mới đa dạng sẽ cung cấp diện tích bán lẻ lớn với 430.000m2, chủ yếu nằm ở vùng ngoài ô như Vincom Megamall Grand Park (thành phố Thủ Đức) và Elite Mall (quận 8). Dự kiến trong quý cuối năm 2020 và quý 1 năm 2021, với tiềm năng kinh tế khả quan, tiêu dùng nội địa tăng và ảnh hưởng từ hiệp định thương mại FTA và EVFTA, thị trường bán lẻ Việt Nam được kì vọng sẽ cải thiện. Hơn nữa, UKVFTA sẽ chính thức có hiệu lực vào 1 tháng 1 năm 2021, nâng cao khả năng đầu tư của các thương hiệu Anh Quốc đầu tư vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Bên cạnh đó, RCEP thể hiện sự hợp tác giữa các nước ASEAN và 5 nền kinh tế lớn khác bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand và hi vọng điều này sẽ cung cấp một lượng lớn khách thuê quốc tế.
Theo Colliers International Việt Nam, lĩnh vực bán lẻ được coi là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch năm 2020, đặc biệt là sau đợt đầu tiên vào quý 1 và đợt thứ hai vào quý 2. Trong quý 3, thị trường bán lẻ tạm thời ổn định, trước khi bắt đầu phục hồi vào quý cuối năm 2020. Nhiều nhà bán lẻ lớn đã tiếp tục phát triển kinh doanh tại Việt Nam trong suốt năm 2020, điều này cho thấy sự tin tưởng dài hạn của các nhà bán lẻ nước ngoài đối với thị trường Việt Nam bán lẻ bất chấp đại dịch.
Phương Nga
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị