- Khai quật khảo cổ phải kết hợp với bảo tồn di tích bãi cọc chiến thắng Bạch Đằng
- Khai quật bãi cọc mới phát lộ nghi liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng
Vào cuối năm 2020, đầu năm 2021, các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), phối hợp với Đại học Hạ Long và Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh, tiến hành khai quật trên diện tích gần 300m2, đã phát hiện thêm 11 cột gỗ lớn, cột lớn nhất có đường kính 40cm, cùng nhiều cọc nhỏ và dấu cọc gỗ. Nhiều cột gỗ trong đó là gỗ sến, đáy cột phẳng, kỹ thuật cắm theo phương pháp dộng lắc. Dựa theo diện phân bố các cột, cọc gỗ, các nhà khoa học đang đặt giả thuyết đây là một bộ phận của một kiến trúc khá lớn.
Những cột gỗ này theo nhận định của các nhà khảo cổ, có khả năng thuộc về một kiến trúc có niên đại vào thế kỷ thứ III, IV trước Công nguyên. Nếu như dự đoán về mặt niên đại này là đúng, thì rất có thể đây là một quần thể kiến trúc cư trú của cư dân sống ở khu vực này vào giai đoạn văn hoá Đông Sơn. Đồng thời cũng cho thấy vùng văn hoá Đông Sơn ở khu vực cửa sông Bạch Đằng là một trung tâm lớn của văn hoá Đông Sơn với sự cư trú rất trù mật.
Trước đó các nhà khoa học cũng đã phát hiện tấm bia Tam Bảo địa – đất Tam Bảo, cũng được khắc trực tiếp vào núi, trên có ghi chép thời điểm khắc bia vào năm Thiệu Phong thứ 8 (năm 1348), đời vua Trần Dụ Tông, công chúa Bảo Hoàn và chồng là Trần Khắc Chung cúng dường Trang Ma Liệu làm của Tam Bảo. Bên trái bia ghi chép nơi đây đã đón vua vi hành tới, vua đổi tên Trang Ma Liệu thành Thiên Liêu Sơn, đổi tên ngôi chùa tại đây thành chùa Sùng Nhân. Trong khu vực này, cũng đã khai quật và xác định vị trí một công trình kiến trúc lớn với hệ thống kè, cột, hành lang phức tạp.
Bãi gỗ cổ vừa được phát hiện thêm tại Đức Sơn, xã Yên Đức, thị xã Đông Triều. Ảnh: CTV. |
Cách Tam Bảo địa khoảng 100m là Thiên Long Uyển – tức Vườn Nghìn Rồng, với ba chữ Thiên Long Uyển bằng chữ Hán được khắc trực tiếp trên núi Thiên Liêu. Nơi đây cũng được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đặt giả thuyết là nơi hai vua Trần là Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông đặt đại bản doanh chỉ huy trận Bạch Đằng đánh bại quân Nguyên Mông năm 1288. Bởi vị trí địa quân sự chiến lược, tầm nhìn bao quát toàn bộ chiến trường cả đường thuỷ lẫn đường bộ. Trên núi Thiên Liêu hiện vẫn còn những hang động lớn nhỏ, cũng như vị trí đài quan sát.
Theo đó, thị xã Đông Triều sẽ cùng các nhà khoa học, đơn vị khảo cổ báo cáo đề xuất UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục cho phép khai quật nghiên cứu sâu hơn, mở rộng phạm vi nghiên cứu về di tích này. Với những phát hiện mới này sẽ mở ra những hướng đi mới trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam, đồng thời góp phần làm rõ ràng hơn nữa những giả thuyết, luận chứng, luận cứ trong các nghiên cứu về giá trị lịch sử của các di tích Thiên Long Uyển, cũng như khu vực núi Thiên Liêu, nay là xã Yên Đức trong tổng thể sự kiện Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, để có những phương án bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy xứng tầm giá trị di tích.
Xem thêm: /296826-iout-man-nihgn-oc-og-iab-meht-neih-tahp-hniN-gnauQ/us-ioht/nv.moc.dnac