Ông Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước cho rằng bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với ổn định tài chính và tài chính toàn diện. - Ảnh: AGRIBANK
Phát biểu tại hội thảo khoa học về "Bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính - Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam" vừa được tổ chức, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với ổn định tài chính và tài chính toàn diện.
Theo ông Kim Anh, chính sách bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính hiệu quả là điều kiện cần thiết để mở rộng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng và tạo điều kiện cho người dân có đầy đủ thông tin để đưa ra quyết định sử dụng các dịch vụ tài chính một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.
"Đây là một trong những phương thức giúp củng cố niềm tin của người tiêu dùng vào khu vực tài chính chính thức, đóng góp vào sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường tài chính" - ông Nguyễn Kim Anh nói.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, theo đại diện Ngân hàng nhà nước, bảo vệ người tiêu dùng chủ yếu dựa vào Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà chưa có quy định riêng về bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính.
Trong khi đó, các luật như Luật Chứng khoán, Luật Kinh doanh... bảo hiểm có quy định về việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng nhưng chưa đầy đủ và thiếu những hướng dẫn cụ thể để xử lý kịp thời, hiệu quả các khiếu nại của người tiêu dùng tài chính. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa có các tổ chức chuyên trách quản lý tập trung đối với việc bảo vệ người tiêu dùng về lĩnh vực tài chính.
Ông Nguyễn Việt Hải, Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển sản phẩm dịch vụ Agribank tham luận tại Hội thảo - Ảnh: AGRIBANK
Để đáp ứng nhu cầu tài chính chính đáng cho khách hàng, nhất là người tiêu dùng ở khu vực nông thôn, Agribank cho biết đã và đang đẩy mạnh các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp với đối tượng khách hàng.
Mặt khác, về giải pháp lâu dài để bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính an toàn và hiệu quả, Agribank nhận định phải có các chính sách, chương trình giúp người dân nâng cao hiểu biết và kiến thức tài chính.
Cụ thể, đại diện Agribank đề xuất cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện chính sách bảo vệ người tiêu dùng, trong đó cụ thể hóa đối với bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Chính sách liên quan đến các hoạt động tài chính trực tuyến, thương mại điện tử theo hướng chi tiết, cụ thể hơn.
Mặt khác, nhằm khuyến khích ngân hàng, người dân, doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ ngân hàng, cơ quan quản lý cần có chính sách ưu đãi về thuế, phí và cơ chế tài chính cho đơn vị cung ứng dịch vụ công được chi trả phí dịch vụ cho các dịch vụ thanh toán điện tử.
Thêm nữa, mức giá cước tin nhắn dịch vụ tài chính ngân hàng được điều chỉnh để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.
Tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Ngân hàng nhà nước để quản lý hiệu quả, đảm bảo an toàn, an ninh mạng và ngăn chặn, giảm thiểu rủi ro phát sinh trong triển khai các phương thức thanh toán điện tử, thanh toán xuyên biên giới… của ngành ngân hàng.
Cơ quan quản lý cần tạo điều kiện thuận lợi cho Agribank - ngân hàng thương mại chủ lực trong thị trường tài chính nông thôn phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ nhằm tăng khả năng tiếp cận các sản phẩm, tài chính chính thức cho khách hàng tại khu vực này.
Agribank tin tưởng rằng công tác bảo vệ người tiêu dùng tài chính tại Việt Nam sẽ ngày càng hiệu quả, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, hoàn thành các mục tiêu của Đảng và Chính phủ đề ra.
Bà Lê Thị Thúy Sen, vụ trưởng Vụ Truyền thông - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết việc thực hiện đồng bộ các trụ cột về hành lang pháp lý, chất lượng hạ tầng và truyền thông là những nhân tố quan trọng và quyết định về thanh toán không tiền mặt.
Xem thêm: mth.63184136152101202-hnihc-iat-uv-hcid-gnud-ueit-iougn-ev-oab-pahp-iaig-ek-neih-knabirga/nv.ertiout