PvcomBank là 1 trong 3 ngân hàng bị 'siêu lừa' Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt tiền - Ảnh: PHẠM TUẤN
Như Tuổi Trẻ Online đã đưa tin, Viện KSND TP Hà Nội vừa ban hành cáo trạng truy tố 25 bị can trong vụ án Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm "lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng"; "vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" và "cho vay lãi nặng".
Trong vụ án này có 17 bị can là lãnh đạo cấp phòng, giám đốc, phó giám đốc chi nhánh và nhân viên của 3 ngân hàng bị truy tố.
Nhân viên ngân hàng làm sai quy định
Theo cáo trạng, khoảng năm 2016 - 2018 Nguyễn Thị Hà Thành kinh doanh bị thua lỗ nên đã nhiều lần vay tiền với lãi suất cao của nhiều người, vay của người sau trả cho người trước.
Thời gian đầu Thành tạo được lòng tin đối với người cho vay và cả cán bộ ngân hàng khi trả nợ đúng hạn. Và qua các quan hệ xã hội, bị can Thành tìm được nhiều người đến ngân hàng gửi tiết kiệm với số tiền lớn, sau đó lấy tư cách cá nhân hoặc nhờ người khác đứng tên trên các hợp đồng tín dụng vay các ngân hàng với số tiền lớn nên Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc dân (NCB), Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (VietABank) đều coi bị can là "khách hàng VIP".
Sở dĩ Thành thực hiện trót lọt nhiều phi vụ lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng là nhờ sự tiếp tay của nhân viên ngân hàng.
Thông qua bị can Nguyễn Thị Thu Hương (trưởng bộ phận quan hệ khách hàng doanh nghiệp phòng giao dịch Đông Đô - VietABank), Hà Thành gặp Quản Trọng Đức - giám đốc chi nhánh Hà Nội, trưởng phòng giao dịch Đông Đô - và cho biết sẽ cùng đồng sở hữu gửi lượng tiền lớn vào ngân hàng này, sau đó dùng sổ tiết kiệm thế chấp vay vốn.
Hương đề xuất với Đức ngoài việc phát hành một sổ tiết kiệm đồng sở hữu theo quy định của ngân hàng thì sẽ phát hành thêm hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn và giấy đề nghị phong tỏa.
"Hai văn bản này trái với quy định ngân hàng nên Hương không nhập vào hệ thống quản lý. Đức thì muốn có thành tích nên đồng ý cho Hương làm trái quy định", cáo trạng quy kết.
Khi khách hàng đến phòng giao dịch Đông Đô gửi tiết kiệm, Hương chủ động làm giúp hồ sơ nhưng không đưa cho họ sổ tiết kiệm, mà "vẽ" ra hợp đồng tiền gửi và giấy đề nghị phong tỏa đưa cho họ làm tin.
Hương giải thích với khách hàng rằng số tiền gửi đã được phong tỏa, nếu không có mặt cả hai người đồng sở hữu thì không thể rút tiền ra được.
Sau khi đứng tên đồng sở hữu sổ tiết kiệm với nhiều khách hàng, Hà Thành và Nguyễn Thanh Tùng - giám đốc Công ty Jeongho Lanmark - đã giả chữ ký của họ làm hồ sơ thế chấp những quyển sổ này để vay ngân hàng.
Một nhân viên khác của VietABank là Đặng Thị Quỳnh Hương - trưởng phòng khách hàng cá nhân phòng giao dịch Đông Đô - còn giới thiệu Hà Thành vay tiền của nhiều khách hàng gửi tiết kiệm tại đây. Một số người thấy Thành trả lãi suất cao và được Quỳnh Hương bảo lãnh nên đồng ý cho vay.
Viện kiểm sát xác định bị can Quỳnh Hương đã cùng Thành thực hiện thủ đoạn lòng vòng để chiếm đoạt 25 tỉ đồng của VietABank.
Cáo trạng xác định số vụ lừa đảo nhiều nhất với số tiền lớn nhất xảy ra tại VietABank với 21 vụ. Nguyễn Thị Hà Thành sử dụng thủ đoạn trên và một số thủ đoạn khác để chiếm đoạt số tiền lên đến 273,9 tỉ.
Đây là số tiền của hàng chục khách hàng gửi tiết kiệm tại VietABank, Thành đứng tên đồng sở hữu hoặc mượn sổ rồi giả chữ ký để rút tiền, thế chấp để vay tiền của chính ngân hàng này. Tổng số tiền Nguyễn Thị Hà Thành đã chiếm đoạt của 3 ngân hàng lên đến hơn 300 tỉ.
Khách hàng bị vạ lây?
Một trong những người gửi tiết kiệm tại 3 ngân hàng bị Thành chiếm đoạt nhiều nhất là ông Đặng Nghĩa Toàn. Tổng số tiền ông gửi tiết kiệm tại các ngân hàng và bị chiếm đoạt lên đến 122 tỉ.
Riêng tại PVcomBank, ông Toàn cho biết 2 năm nay đã nhiều lần đến ngân hàng yêu cầu được rút 52 tỉ gửi tiết kiệm tại đây nhưng không được giải quyết. Ông Toàn khẳng định không hề ủy quyền hay ký vào bất cứ giấy tờ nào liên quan đến việc thế chấp sổ tiết kiệm.
Từ năm 2018 đến nay, PVcomBank đã 4 lần có văn bản hướng dẫn giải quyết vụ việc, trong đó nhiều lần cam kết trả lại tiền cho ông Toàn khi có kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra.
PVcomBank khẳng định trong trường hợp có kết luận chính xác ông Toàn không ký cầm cố sổ tiết kiệm thì sẽ "giải tỏa số tiền tiết kiệm theo quy định của pháp luật".
Tuy nhiên đến thời điểm này, dù kết luận điều tra đã xác định vợ chồng ông Toàn không phải đồng phạm với bị can Nguyễn Thị Hà Thành trong hành vi lừa đảo nhưng 3 quyển sổ tiết kiệm của vợ chồng ông vẫn đang bị phong tỏa.
Ông Đặng Nghĩa Toàn nhiều lần đến ngân hàng yêu cầu rút tiền nhưng không được giải quyết - Ảnh: NVCC
Mới đây, PVcomBank có thông cáo báo chí cho rằng 3 cuốn sổ tiết kiệm trên là vật chứng của vụ án nên chưa thể trả tiền cho vợ chồng ông Toàn.
Tuy nhiên trong kết luận điều tra và cáo trạng của các cơ quan tố tụng đều không có nội dung nào khẳng định 52 tỉ ông Toàn gửi trong 3 sổ tiết kiệm tại PVcomBank là vật chứng vụ án.
Phía ngân hàng cho biết đang chờ quyết định cuối cùng từ viện kiểm sát và tòa án để có hướng giải quyết tiếp theo.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng theo quy định, khi người dân đến gửi tiền ở ngân hàng và đã phát hành sổ tiết kiệm thì tiền này do ngân hàng quản lý. Nếu tiền bị mất hoặc bị chiếm đoạt thì ngân hàng là người bị hại, chứ không phải là khách hàng.
Luật sư Đức cho rằng ngân hàng phải có trách nhiệm hoàn trả cho khách. Bởi khi tiền của người dân đã hoàn tất gửi vào ngân hàng thì tiền thuộc trách nhiệm quản lý của ngân hàng.
TTO - Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia khẳng định một người gửi tiết kiệm ở ngân hàng (NH) thì hoàn toàn yên tâm vì NH luôn giữ sổ tiết kiệm đó.