Lần đầu tiên, 7 ngân hàng của Việt Nam phối hợp với Napas ra mắt thẻ tín dụng nội địa và thẻ trả trước nội địa với mức phí rẻ hơn thẻ tín dụng quốc tế. Thẻ này được kì vọng sẽ giúp người Việt dễ dàng tiếp cận với sản phẩm tài chính ngân hàng, góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy lùi tín dụng đen.
Thẻ tín dụng trong nước sẽ nhắm đến tập khách hàng có thu nhập trung bình/thấp, cung cấp công cụ chi tiêu tiêu dùng dựa trên tín chấp.
Tối ngày 25.1.2021, Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) phối hợp với 7 ngân hàng gồm: VietinBank, VietCapital Bank, ACB, HDBank, BAOVIET Bank, Sacombank và VietBank tổ chức lễ kí kết ra mắt thẻ tín dụng nội địa và thẻ trả trước nội địa.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho biết: “Việc ra mắt 2 dòng sản phẩm thẻ tín dụng và thẻ trả trước nội địa đã góp phần hoàn thiện hệ sinh thái thẻ chip nội địa, đa dạng sản phẩm, đồng bộ quy chuẩn, tương thích với yêu cầu khắt khe của các tín dụng quốc tế về an toàn bảo mật trong thanh toán, góp phần xây dựng hoàn thiện hệ thống thanh toán quốc gia.
Thẻ chip tín dụng nội địa với đặc điểm chi tiêu trước, trả tiền sau với thời gian miễn lãi 55 ngày. Với chi phí hợp lý cho các đơn vị phát hành, đơn vị chấp nhận thanh toán và khách hàng, đây là sự lựa chọn phù hợp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận và thanh toán với mức hợp lý, góp phần triển khai tài chính toàn diện quốc gia, đẩy lùi tín dụng đen”.
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Đăng Khoa – Giám đốc Trung tâm thẻ VietinBank - cho biết: “Thẻ tín dụng quốc tế có gì thì thẻ tín dụng nội địa có cái đó. Yếu tố lớn nhất để người dân tiếp dụng là lãi và phí đều được chúng tôi giải quyết triệt để.
Phí thanh toán thẻ tín dụng quốc tế ở mức cao từ 1.3% - 3.5%. Đây là mức khá phi lý trong bối cảnh toàn xã hội chung tay đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Trong khi đó loại thẻ tín dụng nội địa có mức phí chỉ từ 0,33% - 0,5% tuỳ ngân hàng. Đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn không dùng tiền mặt. Các loại phí và lãi đều cố gắng gỡ bỏ như phí thường niên... Thẻ nội địa được kì vọng sẽ chung tay cùng NHNN đẩy lùi tín dụng đen, giúp người dân ở vùng sâu vùng xa có tiếp cận sản phẩm”.
Ông Đỗ Minh Toàn – Tổng Giám đốc ACB cho biết: “Tôi tin đây là sản phẩm sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, kích cầu tín dụng, tối ưu, hiệu quả về kinh tế”.
“Chi phí sử dụng thẻ và chi phí vận hành hợp lý hơn, sản phẩm hấp dẫn và hợp lý hơn với người dùng Việt Nam. Loại thẻ này góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy lùi tín dụng đen”, ông Ngô Quan Trung – Tổng Giám đốc Ngân hàng Bản việt cho biết.
Thẻ tín dụng trong nước sẽ nhắm đến tập khách hàng có thu nhập trung bình/thấp, cung cấp công cụ chi tiêu tiêu dùng dựa trên tín chấp. Mục đích quan trọng nữa là mở rộng khả năng tiếp cận với các sản phẩm thẻ tín dụng cho một bộ phận khách hàng có thu nhập thấp hơn, cung cấp một nguồn tiền tiêu dùng từ tín chấp, đẩy lùi tín dụng đen.
Phí giao dịch sẽ ở mức từ 1,1% - 1,3% giá trị giao dịch, thấp hơn so với các thương hiệu thẻ khác. Đối với giao dịch rút tiền mặt, mức phí dự kiến từ 1 – 2% giá trị giao dịch (mức thu tối thiểu từ 10.000 – 20.000 đồng, cũng thấp hơn nhiều so với mức phí khoảng 4% giá trị giao dịch hoặc tối thiểu 50.000 đồng của các thẻ khác hiện nay.
Xem thêm: odl.811478-aid-ion-gnud-nit-eht-tam-ar-taol-gnod-man-teiv-gnah-nagn-7/et-hnik/nv.gnodoal