Sức ép cạnh tranh từ nhân sự nước ngoài đi cùng dòng vốn ngoại
Vân Ly
(TBKTSG Online) – Hiện các khu công nghiệp tại Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Cần Thơ đang nhận được sự quan tâm và đầu tư từ các doanh nghiệp sản xuất nước ngoài, theo thông tin từ một cuộc nghiên cứu của nhà tuyển dụng Navigos Group. Đi kèm với dự báo về dòng vốn đầu tư là những dự báo về xu hướng tuyển dụng nhân sự và trong bối cảnh mới của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, cạnh tranh nguồn nhân lực chất lượng cao trở nên gay gắt hơn bao giờ hết.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là một trong các chương trình đột phá của các trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Trong ảnh là các học viên thực hành lập trình và vận hành robot tại Trung tâm Đào tạo Khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: TTXVN |
Gia tăng nhu cầu nhân sự chất lượng cao
Navigos Group, chủ sở hữu trang tìm kiếm việc làm trực tuyến VietnamWorks và công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search, đã đưa các dữ liệu cho thấy các doanh nghiệp Nhật Bản trong mảng linh kiện điện tử và ô tô đang có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong năm 2021. Bên cạnh đó, một số u doanh nghiệp sản xuất từ châu Âu, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đang tìm hiểu thị trường để đầu tư xây nhà máy và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là thị trường phía Nam. Do quỹ đất tại TPHCM không còn nhiều nên dự kiến họ sẽ mở rộng ở các khu công nghiệp mới tại Bình Dương, Long An, Đồng Nai và Cần Thơ.
Trong báo cáo về quí 4-2020, Navigos Search đã ghi nhận nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã hồi phục nhanh sau dịch bệnh Covid-19. Các doanh nghiệp vẫn tiếp tục tuyển dụng, tuy nhiên tập trung vào các nhân sự chất lượng cao với yêu cầu am hiểu về các công nghệ mới nhằm gia tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ. Những doanh nghiệp mới gia nhập thị trường cũng rất nhạy bén trong việc xây dựng thương hiệu tuyển dụng và có chính sách lương thưởng tốt để thu hút nhân sự chất lượng.
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 vẫn khiến ngành công nghệ thông tin trì hoãn trong tuyển dụng. Tuy nhiên, vẫn có công ty trong mảng này đang có nhu cầu phát triển rất lớn với kế hoạch tuyển dụng 1.000 kỹ sư công nghệ thông tin trong năm 2021.
Số liệu từ Navigos Search cho thấy ngành ngân hàng đẩy mạnh tuyển ứng viên trong mảng công nghệ và dữ liệu. Các ngân hàng đang có kế hoạch tuyển dụng số lượng lớn các vị trí quan hệ khách hàng. Bên cạnh đó, nhu cầu tuyển dụng các ứng viên trong mảng công nghệ, dữ liệu sẽ được đẩy mạnh do nhu cầu chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại các ngân hàng thương mại.
Ngành bảo hiểm cũng có nhu cầu tuyển các tư vấn viên về bảo hiểm nhân thọ làm việc toàn thời gian. Do một số công ty bảo hiểm nhân thọ ký được các hợp đồng độc quyền với các ngân hàng thương mại trong mảng Bancassurance (phân phối bảo hiểm độc quyền qua kênh ngân hàng) nên có nhu cầu tuyển dụng các nhân viên tư vấn làm việc toàn thời gian. Bên cạnh đó, cũng xuất hiện nhu cầu tuyển dụng các chuyên gia đào tạo trong mảng bảo hiểm nhân thọ.
Trên thực tế, nhân sự có thể đảm nhiệm nhiều vị trí, vai trò khác nhau trong cùng một thời điểm luôn được các doanh nghiệp săn lùng sở hữu. Ở thời kỳ hậu dịch bệnh, việc chiêu mộ nhân sự chất lượng cao, đa nhiệm để cắt giảm đội ngũ nhân sự không thiết yếu trong doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng. Do đó, việc các doanh nghiệp cạnh tranh để giữ chân nhân tài và thu hút nhân sự chất lượng cao trở nên gay gắt hơn. Theo dự báo của các chuyên gia nhân sự, đây cũng sẽ trở thành xu hướng ngành nhân sự trong những năm tiếp theo.
Sức ép cạnh tranh đến từ nhân sự nước ngoài
Số liệu của Navigos Search cho thấy, trong quí 4-2020, nhu cầu tuyển dụng các ứng viên người nước ngoài có dấu hiệu gia tăng. Các doanh nghiệp trong ngành tài chính ngân hàng đẩy mạnh việc tuyển dụng người nước ngoài phụ trách các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Các ứng viên được yêu cầu phải là người có quốc tịch của thị trường được phụ trách và phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Công nghệ thông tin cũng là một ngành có yêu cầu tuyển dụng các ứng viên người nước ngoài. Trong khi nhân sự người Việt chỉ đáp ứng được một số kỹ năng, công nghệ, quy mô quản lý và mô hình kinh doanh nhất định, thì đối với mảng công nghệ mới, các doanh nghiệp trong ngành này đang tìm kiếm các ứng viên người nước ngoài. Các ứng viên được tìm kiếm nhiều thuộc các quốc tịch châu Âu và Mỹ, sử dụng tiếng Anh bản ngữ. Bên cạnh đó là các ứng viên quốc tịch Ấn Độ cho mảng công nghệ thông tin do các ứng viên này có trình độ chuyên môn cao cũng như phù hợp về ngân sách lương của các doanh nghiệp trong ngành này. Ngành năng lượng cũng ưa chuộng các ứng viên có quốc tịch châu Âu, Đông Nam Á và Ấn Độ.
Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, các doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản tại Việt Nam đã chính thức quay trở lại hoạt động sản xuất và tuyển dụng từ quí 4-2020. Đã có một số các doanh nghiệp điện và điện tử tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường, một số doanh nghiệp khác, đặc biệt trong ngành nội thất đã tăng sản lượng lên gấp đôi so với trước khi có dịch.
Các doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản đang tiếp tục chứng kiến sự thay đổi về việc lựa chọn ứng viên. Đối với các ứng viên chỉ biết tiếng Nhật, không chỉ cơ hội nghề nghiệp tại các công ty này sẽ giảm đi đáng kể, mà mức lương của các ứng viên cũng sẽ thấp hơn nhiều. Do vậy, bên cạnh các điều kiện bắt buộc về chuyên môn, yêu cầu ứng viên biết tiếng Anh và tiếng Nhật gần như là yếu tố tiên quyết trong việc lựa chọn ứng viên.
Xem thêm: lmth.iaogn-nov-gnod-gnuc-id-iaogn-coun-us-nahn-ut-hnart-hnac-pe-cus/690313/nv.semitnogiaseht.www