Trần Thị Đàm (Thái Bình) và Đào Thị Phụng (Hải Phòng), cùng 75 tuổi đều được coi là “cáo già” bởi không phải phạm tội lần đầu mà từng có nhiều tiền án, tiền sự.
Cụ bà 75 tuổi lôi họ hàng đi buôn ma túy
Cụ bà 75 tuổi được nhắc đến ở đây là Trần Thị Đàm, trú tại số nhà 50B, tổ 4, phường Quang Trung, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Không chỉ buôn bán ma túy, bà này còn là người điều hành tụ điểm ma túy phức tạp hình thành và hoạt động từ khá lâu. Đáng nói, các đối tượng tham gia đường dây này đều là con cháu, người thân của bà ta. Mọi hoạt động được kiểm soát đầy tinh vi.
Cơ quan chức năng hiện đang mở rộng chuyên án, củng cố hồ sơ, điều tra vụ việc.
Trước đó, khoảng 9h30 ngày này 16/1/2021 phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Thái Bình thực hiện lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với bà Đàm.
Quá trình khám xét khẩn cấp nơi của đối tượng Trần Thị Đàm, cơ quan chức năng đã thu giữ và niêm phong số lượng lớn chất ma túy các loại. Dù vậy, số lượng cụ thể chưa được cơ quan chức năng công bố.
Được biết, ổ nhóm buôn bán ma túy này lợi dụng con ngõ nhỏ để thực hiện hành vi mua bán trái phép chất ma tuý. Hàng ngày, tại đây đều cử người giám sát, canh giữ khá nghiêm ngặt.
Nói về “bà trùm” tên Đàm, người này từng có tiền án, mới mãn hạn 8 năm tù về tội Mua bán trái phép chất ma túy. Không những vậy, con trai Đàm hiện cũng đang thụ án tại trại giam với tội danh liên quan đến ma túy.
Thông tin mới nhất liên quan đến vụ việc, ngày 25/1, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Thái Bình thông tin, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Trần Thị Đàm để tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi mua bán trái phép chất ma tuý. Các quyết định, lệnh nêu trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình phê chuẩn.
Siêu trộm 75 tuổi chuyên đột nhập các cửa hàng thuốc
Tưởng rằng chỉ có Trần Thị Đàm mới nhúng tràm vì buôn ma túy, mới đây, Công an quận Lê Chân (TP.Hải Phòng) vừa bắt giữ một siêu trộm cũng ở tuổi “gần đất xa trời”. Đó là cụ bà Đào Thị Phụng (75 tuổi) – người gây ra hàng loạt vụ trộm cắp tài sản tại các cửa hàng thuốc, cửa hàng tạp hóa trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Trước đó, Đào Thị Phụng (75 tuổi, ở 1/88 Nguyễn Văn Linh, phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân) bị lực lượng chức năng bắt giữ khi đang trộm cắp 1 số thuốc tân dược trị giá khoảng 2,3 triệu đồng tại cửa hàng thuốc số 324A Hai Bà Trưng, quận Lê Chân vào 9h30 ngày 20/1.
Được biết, “siêu trộm” Đào Thị Phụng có 13 tiền án, tiền sự và chủ yếu về các tội Trộm cắp tài sản, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản…. Ra tù vào năm 2019, nhưng người phụ nữ này vẫn chứng nào “tật ấy” khi trở về địa phương.
Nói về thủ đoạn trộm cắp, Đào Thị Phụng đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình tại cơ quan điều tra.
Lợi dụng sự sơ hở của các của hàng thuốc và tạp hóa trên địa bàn, Phụng thuê xe ôm đi khắp thành phố để thực hiện các vụ trộm cắp.
Chỉ trong thời gian từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2021, hàng loạt vụ trộm cắp đã được Phụng thực hiện trót lọt.
Trong đó có thể kể đến, vụ trộm cắp tài sản điện thoại iPhone 7 Plus tại cửa hàng số 15 Thiên Lôi, phường Nghĩa Xá, quận Lê Chân; vụ trộm cắp một số loại thuốc tại cửa hàng thuốc đường An Đà, quận Ngô Quyền, vụ trộm 2 chai rượu tây tại 1 cửa hàng đang khai trương trên đường Hùng Vương, quận Hồng Bàng…
Tội Trộm cắp tài sản
Theo quy định của pháp luật, hành vi trộm cắp tài sản có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự.
- Phạt hành chính
Đối với hành vi trộm cắp tài sản lần đầu, không gây hậu quả nghiêm trọng về giá trị tài sản thiệt hại (dưới 02 triệu), chưa bị kết án về 01 trong các tội về chiếm đoạt tài sản thì người thực hiện hành vi vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính.
- Truy cứu trách nhiệm hình sự
Tội Trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Khung hình phạt của tội trộm cắp tài sản được quy định như sau:
- Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm họăc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm với hành vi trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 02 triệu đồng trở lên hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc 01 trong các trường hợp sau đây:
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
+ Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội sau tại Bộ luật Hình sự mà chưa bị xóa án tích: Điều 168 (tội cướp tài sản), 169 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản), 170 (tội cưỡng đoạt tài sản), 171 (tội cướp giật tài sản), 172 (tội công nhiên chiếm đoạt tài sản), 174 (tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản), 175 (tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản) và 290 (tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản);
+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
+ Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
+ Tài sản là di vật, cổ vật.
- Phạt tù từ 02 đến 07 năm khi phạm tội trộm cắp tài sản mà thuộc 01 trong các trường hợp sau:
+ Phạm tội có tổ chức;
+ Có tính chất chuyên nghiệp;
+ Chiếm đoạt tài sản giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;
+ Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
+ Hành hung để tẩu thoát;
+ Tài sản là bảo vật quốc gia;
+ Tái phạm nguy hiểm.
- Phạt tù từ 07 đến 15 năm khi phạm tội trộm cắp tài sản mà thuộc 01 trong 02 trường hợp sau:
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;
+ Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
- Phạt tù từ 12 đến 20 năm khi:
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên;
+ Hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
+ Hình phạt bổ sung: Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 05 - 50 triệu đồng.
Mộc Miên (T/h từ Đại Đoàn Kết, Người Lao Động)