Theo Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (Unctad) công bố hôm 24/1, các khoản đầu tư mới của doanh nghiệp nước ngoài vào Mỹ, vốn giữ vị trí số 1 trong nhiều thập kỷ, đã giảm 49% vào năm 2020, còn 134 tỷ USD.
Trong khi đó, Trung Quốc, từ lâu đã xếp thứ hai, chứng kiến dòng vốn FDI tăng 4%, vươn lên mức 163 tỷ USD. Như vậy, năm 2020, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành nơi hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều nhất thế giới.
Việc thu hút đầu tư khởi sắc cho thấy Trung Quốc đang tiến tới vị trí trung tâm của nền kinh tế toàn cầu vốn do Mỹ thống trị từ lâu. Sự dịch chuyển này càng tăng tốc trong thời kỳ đại dịch khi Trung Quốc củng cố vị thế là công xưởng của thế giới và mở rộng thị phần thương mại toàn cầu.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài bao gồm những hoạt động như các công ty nước ngoài xây dựng nhà máy mới hoặc mở rộng hoạt động hiện có ở một quốc gia hoặc mua lại các công ty địa phương nơi đó.
Trong khi Trung Quốc thu hút thêm nhiều dòng vốn mới vào năm ngoái, tổng vốn đầu tư nước ngoài lũy kế vào Mỹ vẫn lớn hơn nhiều, cho thấy nước này vốn là địa điểm hấp dẫn trong nhiều thập kỷ cho các doanh nghiệp muốn mở rộng ra nước ngoài.
Đầu tư nước ngoài vào Mỹ đạt đỉnh vào năm 2016, với 472 tỷ USD, khi đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc là 134 tỷ USD. Kể từ đó, đầu tư vào Trung Quốc tiếp tục tăng, trong khi Mỹ giảm dần từ năm 2017.
Chính quyền Trump từng khuyến khích các công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc để hồi hương sản xuất. Điều này cũng khiến các nhà đầu tư Trung Quốc chú ý hơn đến các thương vụ thâu tóm tại Mỹ do có thể phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia. Do đó, sự quan tâm của họ với các thương vụ tại Mỹ cũng giảm nhiệt.
Tại Trung Quốc, dòng vốn FDI vẫn tiếp tục tăng, bất chấp những biến động của đại dịch, với các công ty từ tập đoàn Honeywell International (Mỹ) hay nhà sản xuất quần áo thể thao của Đức Adidas AG vẫn đang mở rộng hoạt động.
Unctad không cho rằng sẽ có sự phục hồi đáng kể về đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm nay, trên toàn cầu hoặc ở các quốc gia đã giảm vào năm 2020. "Các nhà đầu tư có thể vẫn thận trọng trong việc cam kết vốn", James Zhan, Giám đốc đầu tư và doanh nghiệp của Unctad dự báo sự phục hồi thực sự sẽ không diễn ra cho đến năm 2022. Và ngay cả khi đó, "con đường sẽ rất gập ghềnh".
Joseph Joyce, Giáo sư kinh tế và quan hệ quốc tế tại Đại học Wellesley (Massachusetts) cho biết, trong khi đầu tư nước ngoài giảm mạnh ở Mỹ do đại dịch, nó cũng đang khiến các công ty phải suy nghĩ lại về các khoản đầu tư trong tương lai. "Các công ty đang đánh giá lại các chính sách của họ về chuỗi cung ứng toàn cầu, về thị trường nước ngoài, về việc sử dụng công nghệ", ông Joyce nói.
Các con số của Unctad cho thấy sự phân chia rõ rệt giữa Đông và Tây trong kinh tế toàn cầu. Năm 2020, Đông Á thu hút một phần ba tổng vốn đầu tư nước ngoài trên toàn cầu, tỷ trọng lớn nhất kể từ khi kỷ lục bắt đầu vào những năm 1980. Ấn Độ tăng 13%, phần lớn do nhu cầu về dịch vụ kỹ thuật số tăng.
Ở phương Tây, Liên minh châu Âu bị sụt giảm 71%. Anh và Italy, những quốc gia có tỷ lệ tử vong cao và kinh tế suy thoái sâu, không thu hút được đầu tư mới. Đức, quốc gia có kết quả tốt hơn, đã giảm 61%.
Khi đại dịch lần đầu xảy ra vào đầu năm ngoái, Unctad cho rằng Trung Quốc sẽ bị giảm mạnh đầu tư nước ngoài và Mỹ phần lớn không bị tổn hại. Nhưng nền kinh tế của Trung Quốc đã mở cửa trở lại vào tháng 4 ngay khi Mỹ và châu Âu bắt đầu một loạt các đợt phong tỏa, dừng sản xuất liên tục.
Khả năng sớm kiểm soát virus của Bắc Kinh đã giúp nền kinh tế nước này phục hồi tương đối nhanh chóng và củng cố sức hấp dẫn của Trung Quốc. Sau khi FDI sụt giảm trong vài tháng đầu năm 2020, các quan chức nước này đã cố gắng trấn an nhà đầu tư nước ngoài và giải quyết mọi lo ngại mà họ có thể có. "Chúng ta phải thực hiện các chính sách có mục tiêu để ngăn chặn sự sụt giảm trong ngoại thương và đầu tư nước ngoài", Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói vào tháng 3/2020.
Một số công ty nước ngoài dừng kế hoạch mở rộng ở Trung Quốc và vài đơn vị bắt đầu rút các khoản đầu tư. Nhưng khi sự phục hồi của Trung Quốc tăng dần và phần còn lại của thế giới ngày càng trở nên khó khăn, các công ty nước ngoài chuyển sang đổ nhiều tiền hơn vào Trung Quốc, coi nước này là cơ sở sản xuất và là thị trường tăng trưởng quan trọng.
Walmart cho biết sẽ đầu tư 3 tỷ nhân dân tệ, tương đương 460 triệu USD, vào Vũ Hán trong 5 năm tới. Starbucks đang đầu tư 150 triệu USD để xây dựng một nhà máy và khu R&D ở thành phố Côn Sơn, miền đông Trung Quốc.
Tesla thì đang mở rộng công suất tại Thượng Hải và xây thêm một cơ sở nghiên cứu, trong khi Walt Disney tiếp tục xây một khu chủ đề mới cho công viên Disneyland Thượng Hải, bất chấp lượng người đến công viên giảm 2 năm nay.
Các khoản đầu tư y tế và dược phẩm đặc biệt tích cực. Một số công ty dược phẩm toàn cầu đã thúc đẩy mở rộng ở Trung Quốc. AstraZeneca đang trong quá trình thành lập trụ sở tại ít nhất 5 thành phố của Trung Quốc.
Khả năng phục hồi của đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc trái ngược với những dự đoán trước đó rằng các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc quá nhiều vào quốc gia này.
Seoul Semiconductor, một nhà sản xuất chip Hàn Quốc có hoạt động rộng khắp ở Trung Quốc, gặp khó khi muốn rời đây, mặc dù có nhiều động lực để làm như vậy. Năm 2017, công ty bắt đầu xem xét việc chuyển một số hoạt động sản xuất linh kiện phát sáng sang Việt Nam.
"Chúng tôi rất phụ thuộc vào Trung Quốc", Hong Myeong-ki, Đồng giám đốc điều hành của công ty cho biết dù công ty sản xuất khoảng một nửa số sản phẩm tại Việt Nam, nhưng hiện không có kế hoạch rời khỏi Trung Quốc.
Xu hướng tương tự có thể thấy ở các công ty Nhật Bản hoạt động tại Trung Quốc. Chỉ 9,2% cho biết họ đang chuyển hoặc cân nhắc chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong cuộc khảo sát vào tháng 9 của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (Jetro), mức thấp nhất trong vòng 5 năm.
"Họ cần giảm sự phụ thuộc quá mức đối với chuỗi cung ứng vào một thị trường duy nhất", Ding Ke, Nhà nghiên cứu của Jetro cho biế, "Nhưng rủi ro lớn hơn mà họ xác định là mất thị trường Trung Quốc".
Phiên An (theo WSJ)