Xuân Tân Sửu, dù đất nước đang trong khó khăn chung của cả thế giới do tác động của COVID-19 nhưng thành tựu và những hy vọng cho tương lai của một quốc gia thịnh vượng vẫn hiển hiện. Xuân Tân Sửu cũng là thời điểm mà những kỳ vọng phát triển đến từ Đại hội XIII của Đảng lan tỏa và tạo nền tảng cho một giai đoạn phát triển sau 35 năm Đổi Mới.
Có thể nói những định hướng phát triển trong Dự thảo các văn kiện của Đại hội XIII là nền tảng cho các hy vọng về một Việt Nam thịnh vượng ấy. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Tổ trưởng Tổ biên tập Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII của Đảng, đã có những chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM trước thềm xuân Tân Sửu về nội dung này.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói: “Chúng ta biết, chủ đề dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 mà Đại hội XIII xác định là: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Có thể nói đây chính là một chiến lược toàn diện, bao trùm với những mục tiêu rất cao”.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Tổ trưởng Tổ biên tập Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII. Ảnh: CTV
Phải chạy nhanh, liên tục
. Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, khi nói rằng đây là những “mục tiêu rất cao” thì Bộ trưởng, với vai trò là Tổ trưởng Tổ biên tập Kinh tế - Xã hội của Đại hội XIII cũng đã có những cơ sở lý luận và thực tiễn?
+ Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Dự thảo các văn kiện thì đã làm rõ bối cảnh quốc tế và trong nước trong giai đoạn tới. Tôi muốn chia sẻ về các vấn đề nội tại nhiều hơn. Bởi đã hơn 35 năm Đổi Mới, đất nước ta đã có nhiều cải thiện cả về vị thế, tiềm lực và uy tín như Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhiều lần nhấn mạnh.
Từ một quốc gia đói nghèo, kiệt quệ bởi chiến tranh và bị cô lập, chúng ta đã vươn lên rất mãnh liệt. Trong suốt chặng đường lịch sử, mọi người dân Việt Nam đều mong muốn cống hiến hết sức mình, xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam thịnh vượng, phồn vinh và hạnh phúc. Kể từ khi gia nhập nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình, Việt Nam luôn thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trên thế giới.
Quy mô nền kinh tế hiện nay đã tăng hơn 40 lần so với năm 1990. Thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên xấp xỉ 3.000 USD. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân đều được cải thiện, nâng cấp rõ rệt. Không chỉ đảm bảo phát triển kinh tế, chúng ta còn củng cố tiềm lực quốc phòng để bảo vệ đất nước.
Những thành tựu như vậy là rất đáng tự hào. Đó cũng chính là cơ sở để Đảng và Nhà nước ta xác định rằng: Khát vọng vì một Việt Nam thịnh vượng, ý chí tự lực, tự cường là sức mạnh nội sinh cho đất nước phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
. Nhưng một chặng đường phát triển như thế không chỉ có hoa hồng, mà còn có cả những chông gai mà chúng ta đã nỗ lực vượt qua. Tôi nghĩ vẫn còn nhiều vấn đề mà đất nước ta phải đối mặt trong giai đoạn tới.
+ Đó là điều không thể phủ nhận, nhưng cũng là điều đương nhiên. Vì như bạn vừa nói, không có con đường nào trải toàn hoa hồng. Không có một bối cảnh nào thuần túy khó khăn, cũng không có bối cảnh nào lại chỉ toàn thuận lợi. Nhưng vấn đề là Việt Nam chúng ta luôn có giải pháp cho các vấn đề nội tại.
Như tôi đã từng chia sẻ, Việt Nam vẫn thuộc nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. Chúng ta đang đuổi theo, cố gắng thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển nhưng họ không đứng đợi chúng ta. Chúng ta đi sau mà muốn đuổi kịp các nước thì chỉ có cách là phải chạy nhanh, chạy bền mà thôi. Như nhiều chuyên gia đã khẳng định và tôi đồng tình: Để đuổi kịp các nước, Việt Nam phải tăng trưởng cao liên tục, thậm chí phải tăng đến 10%-12%, trong nhiều năm. Đồng thời phải khơi thông, tận dụng hết mọi tiềm năng, điều kiện của người dân, doanh nghiệp và đất nước cho phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng (thứ hai từ phải sang) khảo sát Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia tại Khu công nghiệp Hòa Lạc. Ảnh: CTV
Thể chế phải mạnh, đồng bộ
. Tôi nhớ Bộ trưởng từng tâm sự rằng chúng ta tự hào về xuất khẩu, nhưng công nghiệp mới là nền tảng bền vững cho phát triển.
+ Thực tế là các ngành công nghiệp then chốt, các ngành kinh tế cơ bản chúng ta đang thiếu. Rất ít người nói về công nghiệp và đó là điều đáng phải suy nghĩ. Tôi cho rằng nước ta không thể trở nên hùng cường và thịnh vượng nếu công nghiệp hóa, hiện đại hóa không thành công. Những năm gần đây, chúng ta đã nỗ lực làm chủ các công nghệ nguồn, công nghệ lõi để chủ động phát triển, chiếm lĩnh những công đoạn có giá trị gia tăng cao thay vì chỉ mãi gia công, lắp ráp.
Đương nhiên, quá trình phát triển không phải ngày một ngày hai và chúng ta đang cố gắng kiến tạo, thiết lập thể chế để đất nước, doanh nghiệp, người dân có thể kết nối, làm chủ được công nghệ và vươn ra thế giới. Cơ cấu lại nền kinh tế dù còn chậm, nhưng ít nhất cũng có những bước tiến để doanh nghiệp không gặp khó khăn ngay trên sân nhà.
Các chỉ số về cạnh tranh mà Việt Nam cố gắng cải thiện nhận được sự đánh giá cao của các quốc gia, các tổ chức, định chế tài chính lớn trên thế giới. Dù vậy thì các chỉ số phát triển bền vững của chúng ta đều ở mức trung bình thấp, năng lực cạnh tranh của Việt Nam cũng chưa cao.
Thêm vào đó, sự phụ thuộc vào khu vực FDI trong khi khả năng kết nối của doanh nghiệp Việt Nam với khu vực này kém cũng là vấn đề. Đơn giản như nhu cầu liên kết với doanh nghiệp Việt Nam của Samsung là khá cao nhưng chúng ta chỉ có đâu đó khoảng 30 doanh nghiệp đủ khả năng tham gia vào chuỗi giá trị của họ.
. Phải chăng một phần cũng do thể chế, luật pháp mặc dù liên tục trong những năm qua các luật về kinh doanh như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ DNNVV liên tục được ban hành và sửa đổi, thưa Bộ trưởng?
+ Nhiều năm nay chúng ta xác định rằng yếu kém về thể chế, pháp luật chồng chéo, xung đột… là một trong những nút thắt của phát triển. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây trong Lễ kỷ niệm 75 năm ngành Kế hoạch và Đầu tư cũng một lần nữa nhắc lại: “Thể chế, thể chế và thể chế”. Chúng ta hiểu rằng ý thức về sự yếu kém của thể chế và yêu cầu cải cách thể chế luôn là thường trực, là nền tảng để khơi thông, mở rộng không gian phát triển. Cải cách để bảo đảm các quyền tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mới là “bệ đỡ” cho mọi định hướng phát triển bền vững.
Nhưng thực tế hiện nay, các bộ luật của chúng ta vẫn còn nhiều điểm cần phải được hoàn thiện, đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn đặt ra cũng như cần đổi mới trong khâu nghiên cứu, xây dựng, góp ý, hoàn thiện, ban hành pháp luật. Cơ chế của chúng ta là cơ quan hành pháp xây dựng luật pháp, cơ quan lập pháp thì bổ sung, thông qua. Nếu hai cơ quan không phối hợp tốt thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng luật pháp.
Trong khi đó, yêu cầu đặt ra về thể chế là phải có một hệ thống pháp luật mạnh, đồng bộ. Muốn như vậy thì xu hướng từ bỏ những lợi ích cục bộ của ngành thông qua sự đề cao vai trò quản lý nhà nước phải được khơi dậy và thực thi vì lợi ích chung của đất nước.
Mặt khác, khi đã có những đạo luật tốt rồi thì việc triển khai cũng phải đồng bộ theo tinh thần “lấy đá ghè chân mình”. Chẳng hạn như việc thực hiện Luật Quy hoạch cần phải tính đến những giải pháp tổng thể để bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, của cả vùng… chứ không nhất thiết phải bảo đảm quyền của một cấp quản lý nào đó.
Nền tảng của một thể chế mạnh, đồng bộ, tôi cho rằng đó là sự công khai, minh bạch, sự tham gia của báo chí, công dân ngay từ khâu dự thảo. Ở một góc độ khác, tôi nghĩ tư duy quản lý để kiến tạo, phát triển phải là chủ đạo. Chỉ có như vậy thì mới vắng tiếng than phiền từ người dân, doanh nghiệp.
Công nhân làm việc tại một công ty sản xuất hàng điện tử. Ảnh: QUANG HUY
Vượt lên chứ không đi theo nữa
. Bộ trưởng hay nói, không chỉ với phóng viên, rằng: “Hết giờ rồi...”. Tôi hiểu đó là sự sốt ruột của Bộ trưởng về các việc cần phải làm để đất nước phát triển.
+ Có thể nói không chỉ mình tôi, mà mọi người đều sốt ruột. Trong quá khứ, chúng ta đã có những quyết sách nhanh và mạnh để đầu tư hạ tầng, năng lượng…, một trong ba trụ cột để phát triển. Có thể kể đến hai công trình tiêu biểu là đường dây 500kV Bắc-Nam và đường Hồ Chí Minh.
Nhưng những công trình như vậy cho đến nay chưa nhiều. Đơn cử như Chính phủ và bản thân tôi trăn trở về một cao tốc Bắc-Nam từ đầu nhiệm kỳ. Và cho đến gần đây, cao tốc đường bộ Bắc-Nam mới có những dự án được triển khai và mục tiêu là đến giai đoạn 2025-2030 chúng ta có một cao tốc đường bộ Bắc-Nam đúng nghĩa.
Ngoài ra, còn rất nhiều việc cần làm để Việt Nam có được một hệ thống hạ tầng tốt cho phát triển, liên kết. Sự sốt ruột là đương nhiên, nhưng cụ thể hóa sự sốt ruột ấy thành các hành động cụ thể, các dự án cụ thể với chất lượng tốt, thời gian hoàn thành nhanh lại là một yêu cầu cấp thiết hơn.
. Tôi thấy tinh thần chung trong nhiệm kỳ và các văn kiện Đại hội XIII là phải đổi mới tư duy, đổi mới phương thức quản lý và phương pháp quản trị quốc gia.
+ Những vấn đề này luôn được đặt ra. Có những cái cụ thể như thay vì tiền kiểm thì chuyển sang hậu kiểm; khó thì thử nghiệm, thành công thì nhân rộng; vướng quy định thì phải xử lý linh hoạt vì lợi ích chung chứ không phải vì lợi ích riêng. Chẳng hạn, trước đây có những đoạn cao tốc lẽ ra có thể đưa vào sử dụng sớm, thúc đẩy được phát triển thì lại bị vướng chỉ vài km đường dẫn do có sự “lệch pha” về quy định. Khi tháo gỡ được thì mới thúc đẩy cả hệ thống giao thông trong vùng.
Tuy vậy, một điểm mấu chốt, theo tôi ở đây lại là chất lượng nhân lực và các nguồn lực khác của Việt Nam có đáp ứng được sự thay đổi tư duy như vậy hay không. Chúng ta biết rằng cần phải có những liên kết ngay cả với nguồn nhân lực là người Việt Nam ở nước ngoài. Mạng lưới đổi mới, sáng tạo Việt Nam được thành lập mấy năm gần đây là một hành động cụ thể như vậy.
Tôi vẫn đặt trọng tâm vào vấn đề liên kết, kết nối trong những mạng lưới như vậy. Bởi chỉ khi quy tụ được nhân lực như thế, với nền tảng thể chế tốt, mạnh, đồng bộ thì chúng ta mới đủ điều kiện tận dụng các lợi thế từ các hiệp định tự do thương mại, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, dịch chuyển đầu tư quốc tế, và có thể, ngay cả các cơ hội từ COVID-19.
Ở góc độ này, tôi cho rằng chúng ta cần có tư duy phải vượt lên trên trước chứ không đi theo, đi sau nữa. Vì chính tư duy đó sẽ dẫn dắt chúng ta biết cách nắm bắt cơ hội kịp thời hơn để phát triển cùng thế giới tiến bộ, văn minh.
. Năm 2021 là năm mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới. Theo Bộ trưởng, năm nay chúng ta cần làm gì để bước đầu hiện thực hóa các mục tiêu trong chiến lược 10 năm tới đây?
+ Tôi cho rằng giai đoạn 2021-2030 được mở đầu bằng những sự kiện chính trị quan trọng, có nhiều ý nghĩa đối với phát triển, kiến tạo, đó là Đại hội XIII. Năm 2021 vì thế có thể nói là năm khởi đầu thực hiện các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới.
Thách thức là rất to lớn nhưng cơ hội cũng không nhỏ, đòi hỏi tất cả chúng ta phải mạnh mẽ, nỗ lực và tích cực hơn nữa để chủ động quyết định được vận mệnh của đất nước trong tương lai. Vì thế, chúng ta phải luôn luôn đổi mới tư duy, quyết liệt trong hành động, chủ động nắm bắt tình hình, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội và tận dụng hiệu quả các cơ hội để thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ trọng tâm.
Chỉ có như vậy chúng ta mới tạo được nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển đất nước, hiện thực hóa khát vọng phát triển về một đất nước giàu mạnh hơn, tươi đẹp hơn và hùng cường hơn.
. Xin trân trọng cám ơn Bộ trưởng.
“Hệ thống có nhân tài sẽ sản sinh ra thể chế tốt” . Bộ trưởng đề cập tới Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam. Có thể đây là một nỗ lực của riêng Bộ KH&ĐT trong việc tận dụng, tranh thủ nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài, ông có thể chia sẻ thêm về điều này? + Tôi vẫn cho rằng con người Việt Nam là nguồn lực tiềm tàng mạnh nhất cho quốc gia hiện nay. Vì mới chỉ là tiềm tàng nên nguồn lực này chưa thể phát huy hết năng lực. Người Việt Nam thông minh, chịu khó, ý chí cao… nhưng nhân tài hiện nay ở đâu? Chính sách thu hút họ thế nào? Họ trở thành nguồn lực của đất nước hay chưa? Đó là những trăn trở. Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam mà tôi nói đến đã quy tụ được nhiều người Việt Nam cả ở trong nước và ở nước ngoài, từ đó kết nối với nhau phục vụ đổi mới sáng tạo. Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia cũng đã được khởi công, xây dựng. Nhưng làm thế nào để mạng lưới ấy không chỉ mang cái tên mỹ miều, mà thực sự là một mạng lưới thúc đẩy quốc gia “đổi mới, sáng tạo” lại cần rất nhiều nỗ lực. Thành lập mạng lưới thì dễ, xây dựng trung tâm cũng không có gì khó khăn… nhưng để những con người có tư duy đổi mới, sáng tạo ấy thực sự phục vụ cho quốc gia lại là điều không chỉ có mạng lưới và trung tâm là có thể thực hiện được. Tôi trăn trở về điều này khi mà dân số vàng của Việt Nam chỉ còn là lợi thế trong 10 năm nữa. Có một “quy luật” mà bất kể ai cũng có thể gọi tên. Đó là “hệ thống có nhân tài sẽ sản sinh ra thể chế tốt”. Khi có thể chế tốt chúng ta sẽ có thị trường tốt. Thị trường tốt thì chúng ta sẽ có cơ chế để phân bổ nguồn lực, bao gồm cả nhân lực, một cách hiệu quả. Phân bổ nguồn lực hiện nay, cái nổi lên là phân bổ nguồn lực đầu tư. Tôi có lần đã chia sẻ: chúng ta vẫn còn tư duy đầu tư theo kiểu “bóc ngắn cắn dài”, đầu tư dàn trải. Điều đó khiến cho đầu tư của chúng ta manh mún, kém kết nối và đất nước cũng không đủ nguồn lực để đầu tư dàn trải như vậy. Đầu tư dàn trải vô hình trung có thể triệt tiêu các nguồn lực. Tôi cho rằng muốn có tăng trưởng nhanh, bền vững trong giai đoạn 2021-2030 thì cần dựa vào các vùng kinh tế trọng điểm, những vùng có khả năng tạo của cải vật chất. Khi đó, các thị trường khác như lao động, tiền lương, đất đai... cũng sẽ phát triển theo và đóng góp vào thịnh vượng chung của quốc gia. |