Theo tờ South China Morning Post (SCMP), phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2021 (WEF) được tổ chức trực tuyến hôm 25-1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới gác lại sự chia rẽ.
Ông Tập có bài phát biểu dài
Theo đó, ông Tập cảnh báo rằng những nỗ lực “cô lập, đe dọa, tách rời và trừng phạt” những quốc gia khác sẽ “chỉ đẩy thế giới vào sự chia rẽ, thậm chí là đối đầu”.
"Lịch sử và thực tế đã cho ta thấy rõ rằng cách tiếp cận sai lầm như vậy, dù dưới hình thức chiến tranh lạnh, xung đột vũ trang, chiến tranh thương mại hay chiến tranh công nghệ, cuối cùng sẽ gây tổn hại cho tất cả các quốc gia, làm suy yếu lợi ích và hạnh phúc của con người” - ông Tập nói.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2021 được tổ chức hôm 25-1. Ảnh: SCMP
Trong bài phát biểu kéo dài 20 phút của mình, nhà lãnh đạo Trung Quốc mô tả các hệ thống chính trị khác nhau giữa các nước là sự đa dạng mà nền văn minh nhân loại không thể thiếu.
Không nêu cụ thể tên cựu Tổng thống Donald Trump, ông Tập cho rằng các nước nên tôn trọng sự khác biệt của nhau và các quốc gia tiên tiến nên từ bỏ tư duy chiến tranh lạnh và không cố gắng áp đặt ý chí của mình lên các quốc gia nhỏ hơn.
“Mỗi quốc gia đều có lịch sử, văn hóa và hệ thống xã hội riêng, không quốc gia nào vượt trội hơn quốc gia nào. Sự khác biệt giữa các quốc gia không phải là lý do để gây ra sự chia rẽ mà là do sự kiêu ngạo, thành kiến và hận thù, là do nỗ lực áp đặt suy nghĩ của một người lên nền văn hóa, lịch sử và hệ thống xã hội của những người khác” - ông Tập nhận định.
“Chúng ta phải ủng hộ sự cạnh tranh trên cơ sở công bằng chứ không phải một cuộc chiến sinh tử” - nhà lãnh đạo Trung Quốc chia sẻ thêm.
Ông Tập cũng khẳng định vai trò lãnh đạo của Bắc Kinh trong số các nước đang phát triển, và hứa rằng Trung Quốc sẽ “giúp đỡ trong khả năng của mình” để cung cấp vaccine ngừa COVID-19 và giải quyết nạn đói nghèo.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nằm trong số các nhà lãnh đạo thế giới tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2021, được tổ chức trực tuyến hôm 25-1. Ảnh: EPA-EFE
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ lâu đã xem WEF, thường được tổ chức tại TP Davos, Thụy Sĩ, là nơi để Bắc Kinh thu hút sự ủng hộ của quốc tế. Lần gần nhất ông Tập phát biểu tại Davos là năm 2017, đã tuyên bố Trung Quốc là vùng đất của tự do thương mại.
Ông Biden không tham dự
WEF năm nay có chủ đề "Một năm quan trọng để xây dựng lại niềm tin". Ngoài ông, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Nhật Suga Yoshihide cũng tham gia.
Phía châu Âu có Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, người đứng đầu cơ quan điều hành Liên minh châu Âu (EU).
Tổng thống Mỹ Joe Biden không tham gia nhưng đã cử Đặc phái viên về khí hậu John Kerry thay mình. Ông Kerry dự kiến sẽ phát biểu vào ngày 27-1, SCMP đưa tin.
Các chủ đề khác trong chương trình WEF năm nay là "Chủ nghĩa tư bản toàn chủ thể: Xây dựng tương lai", "Thúc đẩy hợp đồng xã hội mới" và "Tái thiết lập tiêu dùng cho một tương lai bền vững".
Tổng thống Mỹ Joe Biden không tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2021 nhưng đã cử Đặc phái viên về khí hậu John Kerry thay mình. Ảnh: REUTERS
Bài phát biểu của ông Tập tại WEF được đưa ra trong bối cảnh chính quyền mới của Tổng thống Biden đang tìm cách sửa chữa mối quan hệ với các đồng minh của Mỹ sau nhiệm kỳ bốn năm của cựu Tổng thống Trump.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiết lộ Bắc Kinh rất mong muốn được làm việc với chính quyền mới của Mỹ để đưa quan hệ song phương "trở lại bình thường".
Kể từ khi nhậm chức, ông Biden đã nói chuyện với các đồng minh quan trọng bao gồm Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Macron và Thủ tướng Suga.
Hầu hết các cuộc trò chuyện giữa các nhà lãnh đạo đều đề cập đến chiếc lược phối hợp của họ trước những vấn đề liên quan đến Trung Quốc hoặc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, SCMP cho hay.
Tuy nhiên, ông Biden vẫn chưa có một cuộc điện đàm nào với ông Tập. Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ hôm 23-1 đã phủ nhận thông tin cho rằng họ đã gửi một lá thư đề xuất một cuộc gặp các quan chức cấp cao để thảo luận về hội nghị thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo hai nước.