Trên khu đất trống rộng khoảng 40.000 m2 trên đường Lê Thị Riêng (phường Thới An, quận 12) người dân nơi đây đã tận dụng trồng hoa Tết và duy trì nó trong nhiều năm nay.
Đến thời điểm này, người trồng hoa nơi đây đang tất bật chăm sóc cho vườn hoa của mình để cung ứng ra thị trường phục vụ Tết Nguyên Đán. Hầu hết các loại hoa đều phát triển tốt và đã cho hoa dần dần
Gia đình của bà Nguyễn Thị Phượng năm nay trồng 10.000 chậu hoa các loại, chủ yếu là dạ yến thảo, sao băng.
Được biết, từ đầu tháng 9 âm lịch, nhà bà Phượng chỉ gieo khoảng 50% giống so với năm ngoái. Vì lo ngại dịch bệnh, nên không riêng gì bà Phượng mà nhiều hộ lân cận cũng không dám mạnh dạn đầu tư cho vụ hoa này
Cũng theo bà Phượng, năm nay lượng hoa mà bà trồng chủ yếu cung ứng cho các bạn hàng, các mối quen lâu năm, không có các thương lái xa. “Mình yên tâm khi đã có đầu ra, nhưng cũng không dám đầu tư nhiều”. – bà Phượng nói.
Cũng như gia đình bà Phượng, nhà của ông Lê Phước Lâm cũng thu hẹp diện tích trồng hoa. “Người dân quanh đây trồng nhiều lắm cũng bằng 1/3 hoặc phân nửa của năm ngoái thôi. Thứ nhất là vì dịch Covid-19, sức mua không ổn định, thứ hai là vì giá vật tư, phân bón có tăng cao.” – Ông Lâm chia sẻ.
Vì giá vật tư cao nên giá bán hoa có thể tăng lên khoảng 10 - 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đánh giá chung của nhiều nhà vườn, thời tiết năm nay khá ổn với cây hoa, tuy nhiên đợt lạnh vừa rồi làm cho một số loại hoa khó khăn khi trổ bông, nhà vườn phải mất nhiều công chăm bón. Mỗi ngày, các thợ phụ chăm sóc được trả công với giá khoảng 250.000 đồng/người.
Một số loại hoa đã cho thu hoạch dần như dạ thảo, sao băng, màu gà...
Hoa này được thu hoạch sớm hơn nhiều loại hoa khác vì sinh trưởng khá nhanh. Chủ yếu để phục vụ nhu cầu chưng Tết sớm ở một số nơi...
Đã có nhiều bạn hàng nhỏ lẻ, người kinh doanh cây kiểng ở các quận Gò Vấp, TP.Thủ Đức,...đến tận vườn để mua hoa sớm.
Trên đường Phan Huy Ích (Quận Gò Vấp) nhiều chủ vườn kiểng đã cho nhập về cúc mâm xôi, mào gà và các loại cây khác phục vụ nhu cầu chưng Tết sớm của các quán cà phê, cơ quan, doanh nghiệp...
Cũng theo các chủ vườn kiểng, dù sức mua có thể giảm nhưng họ vẫn cố gắng lấy hàng của nhà vườn vì đã hợp đồng trước hoặc đã có hùn vốn trồng từ ban đầu...