Nhân viên y tế tiêm vắc xin COVID-19 cho một phụ nữ ở thành phố New York, Mỹ ngày 23-1-2021 - Ảnh: REUTERS
"Tôi tin tưởng rằng vào mùa hè, chúng ta sẽ trên đường hướng tới miễn dịch cộng đồng", Hãng tin AFP dẫn lời ông Biden nói trong một cuộc họp báo của Nhà Trắng ngày 25-1. Theo tổng thống Mỹ, cột mốc này có thể đạt được khi việc tiêm ngừa vắc xin phổ biến hơn.
"Tôi nghĩ chúng ta có thể làm được trong mùa xuân này, dù thách thức về hậu cần sẽ vượt quá mọi thứ chúng ta từng làm ở đất nước này", tân tổng thống Mỹ nói.
Ông Biden cam kết tiêm ngừa vắc xin COVID-19 cho 100 triệu người trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ, mà theo ông, sẽ giúp Mỹ bắt đầu hình thành miễn dịch cộng đồng.
Trong khi đó, công ty nghiên cứu Airfinity của Anh dự đoán Nhật Bản sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng vào tháng 10-2021. Để được coi là đạt miễn dịch cộng đồng, tỉ lệ tiêm ngừa phải đạt 75%.
"Nhật Bản tham gia cuộc chơi khá trễ. Họ phụ thuộc vào việc nhập khẩu nhiều loại vắc xin từ Mỹ. Hiện tại dường như họ sẽ không có được lượng vắc xin lớn", ông Rasmus Bech Hansen, nhà sáng lập Airfinity, nhận định trên Reuters.
Theo ông Hansen, hãng dược Mỹ như Pfizer sẽ khó cung cấp đủ vắc xin như thỏa thuận với với Nhật và các nước do chính quyền Mỹ có thể lấy lại số vắc xin này để chống dịch trong nước.
Trước đó, Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga cam kết sẽ có đủ vắc xin cho người dân vào giữa năm nay. Chính quyền Tokyo đã đạt thỏa thuận mua 314 triệu liều vắc xin từ các hãng dược Pfizer, Moderna và AstraZeneca.
Tại Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae In tuần trước nói rằng chương trình tiêm ngừa COVID-19 sẽ giúp nước này đạt được miễn dịch cộng đồng nhanh hơn nhiều nước khác, trễ nhất là vào tháng 11-2021. Hàn Quốc dự kiến bắt đầu tiêm ngừa vào tháng 2-2021 và hoàn thành vào tháng 9-2021.
"Hàn Quốc sẽ không bao giờ chậm chân, nhưng tốt hơn là nhanh hơn các nước khác khi xem xét kết hoạch tiêm ngừa và thời gian hình thành miễn dịch cộng đồng", ông Moon nói.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng Seoul khó đạt được mục tiêu này khi vẫn còn nhiều khó khăn như chưa đảm bảo đủ vắc xin cho người dân, chậm trễ trong việc đào tạo nhân lực. Ông Jun Byung Yool, một cựu quan chức Trung tâm phòng và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc, cho rằng để tiêm ngừa xong vào tháng 9-2021, nước này cần 4.000 bác sĩ tiêm cho khoảng 400.000 người mỗi ngày.
"Chính phủ đã yêu cầu các chính quyền địa phương đảm bảo nguồn nhân lực của mình, nhưng các vùng nông thôn sẽ thiếu hụt trầm trọng nhân viên y tế, hạ tầng để tiêm ngừa. Việc tiêm 400.000 người mỗi ngày là bất khả thi", ông Jun nói.
Còn tại Indonesia, Bộ trưởng tài chính Sri Mulyani Indrawati nói rằng nước này sẽ cần ít nhất 1 năm để đảm bảo đạt được miễn dịch cộng đồng.
Theo ông Sri Mulyani, các chuyên gia cho rằng để tiêm ngừa cho ít nhất 180 triệu người trên 250 triệu dân nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng, Indonesia sẽ cần khoảng 15 tháng. Tuy nhiên Tổng thống Joko Widodo muốn rút ngắn quá trình này xuống còn 12 tháng.
Indonesia bắt đầu tiêm ngừa COVID-19 vào đầu tháng 1-2021 sau khi thông qua loại vắc xin của hãng dược Trung Quốc Sinovac Biotech. Ông Widodo là một trong những người tiêm đầu tiên.
TTO - Tập đoàn Celltrion chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn cuối đối với thuốc điều trị CT-P59. Trong khi đó, nghiên cứu mới khẳng định bệnh nhân nhiễm COVID-19 sẽ được miễn dịch đến 8 tháng.
Xem thêm: mth.8542828062101202-gnod-gnoc-hcid-neim-oc-oan-ihk/nv.ertiout