Đồng phạm của Hậu gồm Lê Khánh Hào, 46 tuổi; Dương Thị Hoa Mai, 35 tuổi, cùng trú huyện Hương Sơn, mỗi người bị phạt 8 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trần Thị Sâm, 33 tuổi, bị phạt tiền 300 triệu đồng về tội Mua bán trái phép hóa đơn.
Tại bản án tuyên hôm nay, TAND tỉnh Hà Tĩnh xác định, Hậu là chủ mưu thực hành tích cực, chiếm đoạt hơn 34 tỷ đồng chi tiêu cá nhân, không có khả năng hoàn trả. Hào và Mai giúp sức nhưng không được hưởng lợi. Trâm hưởng lợi thứ yếu hơn 200 triệu đồng, đã nộp lại khoản tiền chiếm đoạt này cho nhà nước.
Với nhóm cán bộ Cục thuế Hà Tĩnh và hải quan thuộc Chi cục Hải quan Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, tòa xác định không có sự thông đồng giữa họ với bà Hậu để chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Quá trình xét duyệt hồ sơ hoàn thuế và kiểm tra hàng hóa đều được những người này thực hiện theo quy trình, thủ tục, không phát hiện được hành vi gian dối của Hậu. Vì thế, cơ quan tố tụng không có căn cứ xử lý hình sự.
Với một số người và tình tiết liên quan khác, tòa đã chuyển cho cơ quan công an tiếp tục điều tra, khi phát hiện sai phạm sẽ tách riêng xử lý sau.
Theo cáo trạng, năm 2011 bà Hậu lập Công ty TNHH xuất nhập khẩu Hào Hùng, đóng tại khối 10, thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, vốn điều lệ hơn 10 tỷ đồng, với các ngành nghề kinh doanh, buôn bán, xuất nhập khẩu thực phẩm và vật liệu xây dựng. Hậu nhờ Hào (em trai chồng) đứng tên giám đốc của Công ty Hào Hùng, thuê Hoa làm kế toán trả một tháng 3 triệu đồng. Bà Hậu đứng sau điều hành mọi hoạt động kinh doanh mua bán.
Quá trình kinh doanh, Hậu lên kế hoạch chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Biết các tiểu thương ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) thường mua hàng vật liệu xây dựng không rõ nguồn gốc đưa qua nước ngoài bán kiếm lời, bà mượn hàng, hứa đưa sang Lào miễn phí và được đồng ý.
Tiếp đó, bà Hậu móc nối với Sâm và một phụ nữ tại Bắc Ninh mua hóa đơn giá trị gia tăng của nhiều công ty trong nước để hợp thức hàng hóa đầu vào. Để làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa, Hậu cam kết chia lợi nhuận với Công ty xuất nhập khẩu NP và Công ty thương mại xuất nhập khẩu vận tải Lào Việt có trụ sở ở Lào. Giám đốc của hai công ty này đã đóng dấu vào các tập giấy trắng chưa ghi nội dung và ký các thủ tục chuyển tiền ký khống tại ngân hàng ở Lào để làm thủ tục thanh toán tiền với Hào Hùng, phù hợp với hồ sơ đề nghị hoàn thuế.
Hậu chỉ đạo Hào và Hoa ký giấy ủy quyền, hợp đồng mua bán hàng hóa, đưa tiền sang Lào nộp vào tài khoản của các công ty tại đây nhằm hợp thức việc mượn hàng của các tiểu thương Nghệ An. Khi có đầy đủ giấy tờ, Hậu mở tờ khai hải quan tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh), Cha Lo (Quảng Bình), La Lay (Quảng Trị), Nậm Cắn (Nghệ An), lập hồ sơ đề nghị Cục Thuế Hà Tĩnh cho hoàn thuế giá trị gia tăng.
Cáo trạng xác định quá trình kiểm tra hàng hóa thông quan, các cán bộ hải quan và đoàn kiểm tra của Cục Thuế Hà Tĩnh không phát hiện được thủ đoạn của Hậu và đồng phạm nên đồng ý xét duyệt cho hoàn thuế.
Từ tháng 7/2013 đến tháng 5/2015, bà Hậu sử dụng 498 tờ khai xuất khẩu hàng hóa sang Lào qua các cửa khẩu trên và mua trái phép 432 hóa đơn giá trị gia tăng để lập khống 9 bộ sồ sơ hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ đồng, đề nghị Cục Thuế Hà Tĩnh hoàn thuế giá trị gia tăng, chiếm đoạt hơn 34 tỷ đồng.
Tháng 8/2019, bà Hậu bị Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (Công an Hà Tĩnh) khởi tố, bắt giam sau thời gian dài theo dõi, điều tra. Từ lời khai của Hậu, cảnh sát bắt, khởi tố thêm Hào, Hoa và Sâm.
Trước đó, tại phiên xét xử mở hôm 18-19/1, bà Hậu khai quá trình kinh doanh tự nghĩ ra cách chiếm đoạt tiền thuế chứ "không có ai hướng dẫn". Mỗi đợt hoàn thuế thành công, bà chi cho người bán hóa đơn, người có hàng và người mua hàng 3% giá trị, trích 1% phí chuyển tiền giao dịch.
Nhóm cán bộ thuế và hải quan khi bị triệu tập đã khai làm việc "đúng chức trách, không sai phạm".
Xem thêm: lmth.6626224-ut-man-22-tahp-ib-euht-naoh-gnod-yt-43-noh-taod-meihc-iougn/ten.sserpxenv