TP.Hồ Chí Minh đề ra chỉ tiêu đến năm 2045 trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của Châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000USD và là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.
Năm 2045, TPHCM là địa điểm hấp dẫn toàn cầu
Trả lời báo chí ngày 23.1, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, trong 5 năm qua, TPHCM đạt được nhiều kết quả quan trọng, giữ vững vai trò đầu tàu, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, luôn là địa phương đóng góp ngân sách lớn nhất. Cụ thể, TPHCM là địa phương có năng suất lao động cao nhất, bằng 2,6 lần năng suất lao động bình quân cả nước. Mặc dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,6% lao động cả nước, nhưng nhờ năng suất lao động cao mà thành phố đóng góp hơn 22% vào kinh tế cả nước.
Thành phố luôn là địa phương đóng góp ngân sách lớn nhất, chiếm 27% tổng thu ngân sách quốc gia. TPHCM là trung tâm công nghiệp và dịch vụ lớn nhất, chiếm tỉ trọng 15% công nghiệp và 33% dịch vụ của cả nước...
Ông Nguyễn Thành Phong cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định 3 mốc mục tiêu cụ thể theo tầm nhìn đến năm 2045 của Trung ương. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, TPHCM phải trở thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. TPHCM phải đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. GRDP bình quân đầu người khoảng 8.500 USD. Đến năm 2030, TPHCM phải là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại.
Bên cạnh đó, TPHCM thời điểm này phải là thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số. Ước thu nhập bình quân đầu người của người dân TPHCM năm 2030 đạt 13.000USD. TPHCM phải trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học, công nghệ của Đông Nam Á.
Đến năm 2045, TPHCM được định vị là một trung tâm về kinh tế, tài chính của Châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao. Mức thu nhập bình quân đầu người ước đạt 37.000USD, là địa điểm hấp dẫn toàn cầu.
Những đột phá để TPHCM phát triển
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho hay, để thực hiện mục tiêu nêu trên, trước mắt, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, TPHCM đã đề ra 26 chỉ tiêu phát triển trên 5 lĩnh vực. Cụ thể: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) bình quân hằng năm khoảng 8%; kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của thành phố; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm; tỉ lệ người dân hài lòng với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước ở từng lĩnh vực đạt 95% trở lên…
Để đạt được kết quả trên, ông Nguyễn Thành Phong nói rằng, TPHCM tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế để phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động. Trong đó, tập trung phát triển nhanh các ngành kinh tế chủ lực có giá trị gia tăng cao như ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, thương mại, du lịch…
Được biết, TPHCM đang triển khai thực hiện đề án phát triển TPHCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Chủ trương này đã được đưa vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Đồng thời, xây dựng TPHCM thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước, đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn.
“Thông qua việc phát huy tối đa các lợi thế sẵn có và đầu tư bổ sung cho khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông - Thành phố Thủ Đức trở thành một cực tăng trưởng mới cho thành phố và cả vùng” - ông Nguyễn Thành Phong nói.
Cũng theo người đứng đầu chính quyền TPHCM, thành phố sẽ phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho thành phố phát triển bền vững. Trong đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế ở 8 lĩnh vực ưu tiên (công nghệ thông tin - truyền thông, cơ khí - tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, quản trị doanh nghiệp, tài chính - ngân hàng, y tế, du lịch và quản lý đô thị). TPHCM cũng phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên các lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ 5G và sau 5G.
Về chương trình đột phá phát triển hạ tầng, TPHCM đặt mục tiêu trọng tâm là phát triển đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ, hạ tầng viễn thông, hạ tầng số, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng giao thông, tạo môi trường, điều kiện tốt để phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TPHCM, với mục tiêu trọng tâm là đồng hành và tích cực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả hợp tác các ngân hàng, tổ chức tài chính và Nhà nước để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển.
“Sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của Trung ương, sự nỗ lực phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, đổi mới của người dân, doanh nghiệp và sự hợp tác cùng phát triển của các địa phương, bạn bè quốc tế sẽ là nguồn sức mạnh tổng hợp, động lực to lớn giúp TPHCM triển khai thực hiện tốt các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đưa đất nước phát triển và bền vững, ngày càng nâng cao uy tín, vai trò, vị thế trên trường quốc tế” - ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM - một thành phố phát triển cần có 3 đột phá: Thể chế, hạ tầng và nhân lực. Trong đó, đột phá hạ tầng giao thông là quan trọng nhất. Tuy nhiên, TPHCM đang gặp nhiều thách thức, đó là hạ tầng giao thông thiếu kết nối, chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Tỉ lệ đất dành cho giao thông theo quy chuẩn là 23% nhưng ở TPHCM chỉ đạt 9,23%. Mật độ đường giao thông đô thị theo quy chuẩn phải đạt ít nhất 10km/km2 nhưng TPHCM chỉ đạt 2,14km/km2, từ đó đã làm tăng chi phí về logistics của các doanh nghiệp. Rồi ngập nước, kẹt xe đã ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân, có thể dẫn tới nguy cơ tắc nghẽn cả hoạt động sản xuất. Trong khi đó, hạ tầng giao thông kết nối cả vùng Đông Nam Bộ cũng thiếu liên kết. Do vậy, thành phố cần hạn chế đi vào các khu đô thị và phải tập trung hoàn thành đường vành đai 2, với vành đai 3, 4.
Ông Trần Hoàng Ngân cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến hạ tầng thành phố chưa đồng bộ là do thiếu nguồn vốn. Do đó, hiện TPHCM xây dựng đề án quan trọng về ngân sách, làm sao Trung ương tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TPHCM. “Việc giải bài toán tăng tỉ lệ ngân sách để lại cho TPHCM sẽ giải được bài toán đầu tư kết cấu hạ tầng, góp phần tăng nguồn thu ngân sách” - ông Ngân nói.