Sau hai phiên giằng co, thị trường đột ngột bị bán tháo trở lại giữ lúc thông tin lợi nhuận xuất hiện ngày càng nhiều. Đến hôm nay không chỉ các mã tài chính, mà gần như toàn thị trường bị bán mạnh không khác mấy phiên ngày 19/1 vừa qua.
Xét về cường độ, phiên bán tháo hôm nay nhẹ hơn một chút. VN-Index chỉ giảm gần 30 điểm trong khi ngày 19/1 giảm tới gần 61 điểm. Mức giao dịch cũng có phần nhẹ hơn khi HSX khớp lệnh được 15.030 tỷ đồng, chỉ bằng 84%.
Hậu quả với cổ phiếu cũng không tệ bằng: HSX có 22 mã sàn so với 98 mã, tổng số giảm là 288 mã so với 335 mã.
Điểm chung là thị trường lại xuất hiện lực cầu bắt đáy khá tốt, nhưng đúng lúc hệ thống giao dịch quá tải. HSX đứng hình từ khoảng 1h35. Toàn bộ phần thời gian còn lại cổ phiếu trong nhóm VN30 chỉ giao dịch được hơn 177 tỷ đồng, trong đó đợt ATC chưa tới 33 tỷ đồng. Do vậy các chỉ số đều dừng ở mức giảm sâu.
Mặc dù có thể lực cầu đã không thể tốt hơn do hệ thống bị nghẽn nhưng diễn biến trước đó trong phiên đã cho thấy nhu cầu thoát ra của nhà đầu tư rất cao. Sau 2 phiên bắt đáy lãi to ngày 19-20/1 vừa qua, thị trường chống đỡ rất tốt áp lực chốt lời ngắn hạn và thanh khoản giảm. Diễn biến đó trùng vào thời điểm kết quả kinh doanh xuất hiện dồn dập. Vì vậy nhà đầu tư có quyền hi vọng thị trường sẽ đột phá đỉnh cao 1.200 thành công.
Giữa lúc tin tốt xuất hiện rất nhiều nhưng ngay từ đầu phiên hôm nay thị trường đã bị bán mạnh. VN-Index giảm ngay từ lúc mở cửa và từ 10h30 trở đi giảm rất mạnh. Chốt phiên sáng chỉ số này đã bốc hơi hơn 38 điểm xuống tới 1.121,03 điểm, tương đương giảm 3,86% so với tham chiếu.
Diễn biến này cũng bất ngờ giống như hôm 19/1 vừa qua, thị trường đang rất tích cực đột ngột chuyển xấu. Sự hoảng loạn nếu có thì chỉ diễn ra khi VN-Index giảm quá sâu, còn trước đó hẳn phải có hành động chốt lời rất chủ động.
Thực tế lượng cổ phiếu bắt đáy được găm lại cho đến hôm nay là tương đối lớn, nếu căn cứ vào khối lượng giao dịch đang thấp đi đáng kể những ngày qua. Lấy ví dụ khối lượng ngày 22 và 25/1 so với ngày 19-20/1 thì còn tồn dư cỡ 500 triệu cổ phiếu. Biến động giá đầu phiên hôm nay không tốt hơn được bao nhiêu so với hai ngày trước nên về cơ bản các nhà đầu tư giữ hàng lại cũng không có lời thêm. Ngoài ra khối lượng mua đuổi giá ngày 21/1 hầu như không có lãi. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến áp lực bán đột ngột dâng cao, dù rõ ràng là thị trường không có tín hiệu bất lợi nào.
Thị trường lao dốc phiên này bất kể là cổ phiếu lớn hay nhỏ, kết quả kinh doanh quý 4 tốt hay xấu. Độ rộng sàn HSX chỉ còn 67 mã tăng/288 mã giảm. VN30 giảm 2,53% và chỉ có 3 mã tăng là MBB tăng 1,59%, NVL tăng 1,25% và ROS tăng 6,78%. Ngược lại số giảm sâu thì quá nhiều: CTG giảm 6,25%, GAS giảm 1,65%, SAB giảm 2,06%, TCB giảm 2,23%, VCB giảm 1,56%, VHM giảm 1,51%, VIC giảm 3,15%, VNM giảm 1,39%, BID giảm 4,6%, HPG giảm 3,2%...
Nhóm trụ cực kỳ yếu và chỉ trong T+4, hàng loạt cổ phiếu đã trở về đáy cũ, thậm chí thấp hơn như BID, CTG, EIB, HDB, SAB, STB, VIC, VNM, PLX, POW, SBT, SSI. Điều này cho thấy đáy ngày 20/1 vừa qua chưa hẳn đã là mức hợp lý. Nhà đầu tư bắt đáy không còn trông đợi vào cơ hội lợi nhuận cao hơn nữa.
Do hệ thống giao dịch đã khựng lại từ sau 1h35 nên có thể nhiều nhà đầu tư lại trông đợi một diễn biến giống như hôm 20/1, tức là cầu bắt đáy không vào lệnh được và sẽ tạo nên những phiên tăng sau đó. VN-Index cũng đang được trông đợi tạo mô hình kỹ thuật hai đáy để phục hồi. Lúc này mọi khả năng đều có thể, nhưng điều quan trọng là yếu tố hỗ trợ tốt nhất là kết quả kinh doanh dường như đã không tạo được đà tâm lý cần thiết.
Lợi nhuận quý 4/2020 xuất hiện dày đặc mấy hôm nay, toàn lãi rất cao. Tuy nhiên thị trường lại cho thấy sự lo ngại nhiều hơn là hưng phấn. Đầu tiên là dòng tiền thu hẹp rất nhanh hai phiên trước và thị trường phân hóa mạnh. Kế tiếp là phiên bán tháo mạnh hôm nay bất kể là cổ phiếu đón tin lợi nhuận như thế nào. Nhà đầu tư nước ngoài thì vẫn đang miệt mài bán ròng với cổ phiếu, đặc biệt là tại blue-chips VN30.
Dòng tiền bắt đáy hôm nay cũng xuất hiện khá nhiều nhưng sàn HSX thanh khoản cũng chỉ tăng nhẹ 2% so với hôm qua và khá thấp so với ngưỡng nghẽn lệnh các tuần trước. Đó có thể là do lệnh vào ở các mức giá không khớp được (vì hệ thống xử lý số lượng lệnh chứ không xử lý quy mô lệnh). Thực tế nhà đầu tư vẫn còn nhiều cơ hội nếu muốn mua vì khoảng thời gian hệ thống giao dịch tốt hôm nào cũng xuất hiện.
Xem thêm: mth.11660545162101202-hnam-gnah-ax-nav-ut-uad-ahn-cuc-hcit-hnaod-hnik-auq-tek/nv.ymonocenv